Ngộ nhận về đóng gói và định giá
Hầu hết những người làm solopreneur/freelancer có kinh nghiệm sẽ nói họ từng mắc nhiều sai lầm về đóng gói và định giá.
Không có cách tốt nhất để đóng gói hay định giá dịch vụ nhưng cũng không có một mức giá hay gói dịch vụ nào là cố định đối với khách hàng.
Nói như thế không có nghĩa là bạn không cần biết về đóng gói hay định giá. Đóng gói và định giá là những quyết định quan trong nhất bạn phải đưa ra khi làm solo, đặc biệt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Tuy nhiên, hai khía cạnh này cũng thường gặp phải những ngộ nhận và quan niệm sai lầm khiến nó vốn không phải thứ dễ dàng lại càng trở nên khó khăn hơn.
Trong bản tin hôm nay, mình sẽ chia sẻ một số ngộ nhận thường gặp mà mình quan sát được từ các solopreneur/freelancer mà mình từng làm việc hoặc tiếp xúc:
Ngộ nhận 1: Đóng gói dịch vụ nghĩa là giới hạn khả năng linh hoạt của tôi
Ngộ nhận 2: Định giá dịch vụ thấp sẽ thu hút nhiều khách hàng hơn
Ngộ nhận 3: Các gói dịch vụ cố định không phù hợp với tất cả khách hàng
Ngộ nhận 4: Định giá dựa trên thời gian làm việc là cách hiệu quả nhất
Bắt đầu nhé!
“Đóng gói dịch vụ nghĩa là giới hạn khả năng linh hoạt của tôi.”
M. trở thành solopreneur trong lĩnh vực thiết kế đồ họa được gần 02 năm. Hơn 01 năm đầu tiên, ai tìm đến M để làm dịch vụ thiết kế cô đều nhận, từ thiết kế template trên Canva tới nhận diện thương hiệu, website, bìa sách, in ấn. Mỗi khách tìm tới có nhu cầu như thế nào thì cô áng chừng công sức, thời gian rồi tính phí chứ không dựa trên một cơ sở nào. Cho tới khi M rơi vào khủng hoảng và kiệt sức do ôm đồm quá nhiều việc lắt nhắt thiếu tập trung cộng thêm thiếu sự chủ động vì cứ chạy theo phục vụ nhu cầu của khách (mà mỗi người lại đòi hỏi một kiểu) trong khi thù lao nhận về chẳng đáng là bao, cô mới thấy mình phải tìm cách để làm khác đi. Thay vì làm tất cả mọi thứ, M bắt đầu tạo ra các gói thiết kế riêng: thiết kế logo, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế website. Cô đóng gói với các lựa chọn và khoảng giá cho từng lựa chọn.
Nhờ vậy, M thu hút được khách hàng có nhu cầu rõ ràng và cô cũng định vị tốt hơn chuyên môn của mình trong mắt khách hàng.
Rất nhiều người làm solopreneur hoặc freelancer trong giai đoạn đầu quan niệm rằng việc đóng gói dịch vụ sẽ hạn chế khả năng linh hoạt và khả năng đáp ứng yêu cầu đặc biệt của khách hàng. Họ sợ rằng việc định giá các gói dịch vụ cố định sẽ làm mất đi tính cá nhân và khả năng tùy chỉnh dịch vụ của mình.
Đóng gói dịch vụ thực tế là một cách để bạn thể hiện khả năng và chuyên môn của mình cho khách hàng. Việc xác định và mô tả rõ ràng các gói dịch vụ không chỉ giúp bạn thu hút khách hàng mục tiêu, mà còn giúp khách hàng hiểu rõ về những gì bạn có thể cung cấp và phù hợp với nhu cầu của họ. Hãy nhớ là đóng gói dịch vụ không có nghĩa là bạn không thể điều chỉnh dịch vụ dựa trên nhu cầu hoặc yêu cầu cụ thể của khách hàng. Bạn vẫn có thể làm điều đó bình thường, nhưng có cơ sở và dễ dàng tính phí hơn rất nhiều nếu đã đóng được gói dịch vụ cơ bản trước đó.
"Định giá dịch vụ thấp sẽ thu hút nhiều khách hàng hơn."
“Em sợ để mức giá này thì không có khách hàng nào thuê mất”.
“Em nghĩ em không bán được là do giá em cao quá, em có nên giảm không chị?”
Mình đã từng yêu cầu học viên tăng giá gấp 350% so với báo giá ban đầu của bạn (vì mình tin vào năng lực của bạn). Không thể diễn tả được cảm giác “vỡ òa” của bạn khi lần đầu có khách hàng trả cho bạn mức phí mới đó và gỡ bỏ gần như hoàn toàn niềm tin giới hạn rằng bạn không đủ giỏi, bạn chỉ xứng đáng với mức giá thấp.
Tất nhiên, bạn cần có nhận thức và đánh giá đúng về bản thân, cùng với sự hiểu biết về thị trường ngách của mình và một chút tự tin… bạn mới định giá đúng được về dịch vụ của mình. Chứ không phải thấy người khác có giá như thế thì mình cũng phải định giá bằng được.
Rất nhiều học viên của mình có xu hướng định giá dịch vụ của mình ở mức thấp nhằm thu hút nhiều khách hàng. Các bạn nghĩ rằng giá thấp sẽ làm cho họ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng và tạo ra lượng công việc ổn định. Trong thực tế, định giá thấp về mặt lâu dài sẽ dẫn tới quá tải và chất lượng công việc bị ảnh hưởng. Giá thấp thì khó để đi kèm với chất lượng, điều đó đã là quy luật.
Định giá dịch vụ quá thấp có thể tạo ra một số hạn chế và hậu quả không mong muốn. Đầu tiên, nó có thể gây ra ấn tượng về chất lượng dịch vụ kém. Khách hàng có thể nghi ngờ về khả năng và chuyên môn của bạn nếu giá của bạn quá thấp so với các đối thủ cạnh tranh. Thứ hai, định giá quá thấp có thể dẫn đến việc bạn làm việc quá tải với số lượng công việc lớn mà không đủ thời gian và tài nguyên để đảm bảo chất lượng.
Thay vì giá thấp, hãy tìm hiểu về mức giá trung bình và tiêu chuẩn trong lĩnh vực của bạn. Điều này sẽ giúp bạn định giá dịch vụ một cách hợp lý và cung cấp sự đánh giá công bằng cho công việc của bạn. Hãy tập trung vào chất lượng dịch vụ và giá trị mà bạn mang lại cho khách hàng. Điều này sẽ giúp bạn thu hút khách hàng có ý định trả giá hợp lý và đánh giá cao chất lượng công việc của bạn.
"Các gói dịch vụ cố định không phù hợp với tất cả khách hàng."
Một số solopreneur/freelancer có quan niệm rằng việc xác định các gói dịch vụ cố định sẽ không phù hợp với tất cả khách hàng. Các bạn cho rằng sản phẩm thì có thể cố định chứ dịch vụ thì mỗi khách hàng đều có yêu cầu riêng biệt và không thể đáp ứng thông qua các gói dịch vụ chuẩn.
Tất nhiên, không thể có một gói dịch vụ duy nhất phù hợp với tất cả khách hàng. Tuy nhiên, việc tạo ra các gói dịch vụ cố định không có nghĩa là bạn không thể tùy chỉnh hay thương thảo với khách hàng. Các gói dịch vụ chỉ là một khung tương đối để giúp bạn định hình và hiển thị chuyên môn của mình. Bạn vẫn có thể điều chỉnh và tùy chỉnh các gói dịch vụ để đáp ứng yêu cầu đặc biệt của từng khách hàng.
Bạn có thể đọc thêm bài viết về sản phẩm hóa dịch vụ của mình tại đây: