Khi "thị trường" không phải là vấn đề (Phần 1):
Bí quyết vượt qua tâm lý "thiên tài – kẻ ngốc" để bứt phá trong những lĩnh vực tưởng chừng bão hòa
“Em thấy nhiều người đã làm quá rồi nên thấy mình không đủ tự tin để làm ngách đó nữa”.
Khi bạn nghĩ mình chọn sai ngách – có thể bạn chỉ đang chạm đáy của một vòng xoáy cảm xúc mà thôi!
Một ngày đẹp trời, bạn tỉnh dậy và đột nhiên cảm thấy mọi thứ mình làm gần đây thật vô nghĩa.
Bạn nhìn lại hành trình solo, kinh doanh chuyên môn của mình:
Nội dung từng tâm huyết giờ chỉ còn vài lượt xem.
Sản phẩm vừa launch không ai phản hồi.
Mỗi lần nhìn mạng xã hội là mỗi lần thấy người ta đang thành công trong chính cái niche mình theo đuổi, còn mình thì đứng yên tại chỗ.
Bạn bắt đầu tự hỏi:
“Liệu niche này đã hết thời?”
“Mình có đang ảo tưởng không?”
“Hay là mình nên chuyển hướng trước khi quá muộn?”
Bạn không cô đơn. Và bạn không sai. Nhưng có thể, bạn đang đánh giá sai tình huống.
Linh thấy rằng,
Có một thứ nguy hiểm hơn việc chọn sai ngách – đó là đánh giá niche khi bạn đang ở đáy cảm xúc.
Linh hay gọi đùa đó là khoảnh khắc “KẺ NGỐC TRỖI DẬY.” Và chúng ta đang trượt xuống một vòng xoáy tâm lý có tên là: Genious - Idiot Rollercoaster (Vòng xoáy của Thiên Tài - Kẻ Ngốc).
Bất kỳ ai làm nghề sáng tạo, freelancer, solopreneur, cũng đều trải qua hai trạng thái lặp lại liên tục:
Thiên tài – Khi mọi thứ tràn đầy cảm hứng, bạn thấy mình đang “vào guồng”, đang tạo ra thứ đáng giá.
Kẻ ngốc – Khi feedback tiêu cực, không ai phản hồi, bạn thấy mọi nỗ lực của mình thật vô nghĩa, thậm chí thấy bản thân thật tệ.
Và nếu bạn không hiểu về vòng xoáy này, bạn sẽ tưởng nó là dấu hiệu của “niche sai” hoặc “sự nghiệp sai.”
Sự thật? Đó chỉ là một chu kỳ cảm xúc tự nhiên của những người dấn thân vào công việc sáng tạo (dù là sáng tạo bất kỳ thứ gì) – thứ đòi hỏi bạn phải đào sâu từ nội lực và dấn thân vào vùng rủi ro.
Thiên tài - Kẻ ngốc: Vòng xoáy không chừa một ai
Khi bạn là “thiên tài”:
Bạn viết một post, và nó nhận hàng trăm lượt chia sẻ.
Bạn thấy mình như đang "bay" trên một làn sóng cảm hứng.
Mọi thứ trở nên dễ dàng và đầy triển vọng.
Tôi gọi đây là đoạn lên dốc tàu lượn siêu tốc – hồi hộp nhưng tràn trề hi vọng.
Khi bạn là “kẻ ngốc”:
Một bài viết hay ho không ai quan tâm.
Một sản phẩm bạn đặt niềm tin bị thị trường lặng im.
Bạn bắt đầu nghi ngờ mọi thứ: từ năng lực bản thân đến giá trị của niche.
Bạn rơi tự do. Tàu lao xuống dốc không phanh. Và bạn tưởng mình đang rơi mãi mãi.
Nhưng rồi bạn chợt nhớ: Tàu lượn chỉ rơi để lấy đà bật lên. Nếu bạn giữ vững tay lái.
Cảm xúc “thiên tài” kích hoạt dopamine – hormone của sự chờ đón phần thưởng. Nhưng dopamine cũng rất dễ suy giảm khi phần thưởng không đến. Đó là lý do vì sao ta càng kỳ vọng, càng dễ sụp đổ vì thất vọng.
---
Cảm xúc không phải là dữ liệu, nhưng nó có thể chi phối mọi quyết định
Não của bạn có cơ chế phòng vệ rất “tinh vi”. Khi rơi vào vùng trũng cảm xúc, nó sẽ bày ra đủ lý do logic để thuyết phục bạn từ bỏ:
“Thị trường này bão hòa rồi.”
“Mình không còn gì mới mẻ.”
“Người ta làm giỏi hơn, đẹp hơn, nhanh hơn.”
Thực ra, đó chỉ là những lớp vỏ ngụy trang của cảm giác thất vọng, kiệt sức và mong muốn được nghỉ ngơi.
Đôi khi, thứ bạn cần không phải là một ngách mới – mà là một góc nhìn mới với chính hành trình mình đang đi.
Tâm trí bạn đang dùng cơ chế “externalization” – phóng chiếu lỗi ra ngoài để bảo vệ bản thân khỏi sự tự tổn thương bên trong.
Bạn không kém. Bạn chỉ mệt.
Bạn không sai. Bạn chỉ chưa nghỉ đúng lúc.
---
Chính mình cũng đã từng muốn từ bỏ tất cả…
Hôm đó là mùa đông cách đây 4 năm. Trời Na Uy âm 10 độ. Mình ngồi một mình trong bếp, đọc từng bình luận trong một bài viết vô tình gây tranh cãi (vì động tới lợi ích của một nhóm). Tất nhiên mình không có chủ đích làm việc đó, thậm chí còn không biết nhóm đó tồn tại trên đời. Nhưng người ta vẫn cứ bay vào như thiêu thân và bài xích, chê bai, trù dập những nỗ lực và thông điệp tốt đẹp mình cố gắng đưa ra.
Mình đã bật khóc. Không phải vì buồn, mà vì thấy mình đang dùng toàn bộ trái tim cho một việc mà đôi khi những gì nhận lại lại rất bất công và bất bình.
“Có ai cần những thứ mình đang làm không?”
Mình đã nghĩ đến chuyện ngừng viết. Xóa tài khoản. Khỏi phải chia sẻ hay viết lách gì hết cả. Cùng lắm thì quay lại làm doanh nghiệp, luôn có nhiều lựa chọn kia mà.
Nhưng sáng hôm sau, một người đọc tên T. bình luận và sau đó còn nhắn tin cho mình:
“Bài viết của chị như kéo em ra khỏi hố cảm xúc tuần này. Em nhắn tin để chị biết sẽ vẫn luôn có người ủng hộ chị và những gì chị chia sẻ.”
Mình không biết T. là ai. Nhưng một người thấy mình, một người chạm được điều mình viết ra – đủ để mình đi tiếp.
Và đó là lúc mình nhận ra: không phải niche sai. Mình chỉ đang ở đoạn “kẻ ngốc” của vòng xoáy.
Và ngoài kia cũng có rất nhiều câu chuyện bạn thấy quen thuộc:
Nhiều người tưởng vòng xoáy cảm xúc là vấn đề của riêng họ. Nhưng thật ra, ai làm nghề sáng tạo và kinh doanh một mình cũng từng đi qua nó – theo những cách khác nhau.
Không phải ai cũng kể lại. Không phải ai cũng dám kể lại.
Nhưng với những người chọn ở lại và “ngồi tiếp trên con thuyền này”, họ thường không đi bằng sự hoàn hảo – mà bằng cách hiểu bản thân, chấp nhận mình đang rơi, rồi lặng lẽ chỉnh lái.
Họ không làm gì quá ghê gớm. Không cần chi tiền quảng cáo rầm rộ, cũng không cần cố gồng mình trở nên nổi bật. Họ chỉ cần nhìn lại, điều chỉnh một chút cách kể, một chút nhịp xuất hiện, một chút về chính mình.
Chị NT là một chuyên gia dinh dưỡng, đã từng học và có chứng chỉ của một trường chuyên nghiệp của Úc, nhưng khá loay hoay với việc làm nội dung của mình.
Chị launch khoá học ăn uống lành mạnh. 2 tháng đầu không có học viên. Muốn bỏ cuộc.
Sau khi nhận được phản hồi rằng “nội dung hay nhưng không ai hiểu chị đang giúp ai,” chị đổi tiêu đề, thêm case study, tách thành chuỗi mini-course. Tháng sau: 5 học viên. Tháng thứ 2: thêm 7 học viên. Sau 6 tháng, chị có gần 40 học viên.
Vấn đề không phải sản phẩm tệ – mà là cách kể về nó chưa đúng thời điểm, chưa đúng cách. Nếu để cảm xúc tiêu cực cuốn đi, có lẽ giờ chị đã ngày ngày làm công việc cũ và từ bỏ con đường trở thành một chuyên gia dinh dưỡng thật sự.
Hai trường hợp khác.
Nguyễn Nhàn, một cây viết và chuyên gia tư vấn chiến lược nội dung cho ngách kiến trúc nội thất, cũng là mentee của mình, từng đã khóc rất nhiều và hoang mang rất nhiều khi mình khuyên bạn nên chọn ngách kiến thúc nội thất để theo đuổi. Bạn nghi ngờ bản thân rất nhiều và lo lắng thái quá về việc liệu ngách hẹp có thể giúp mình phát triển hay không. Dựa trên quan sát, đánh giá và trực giác của người làm kinh doanh, mình động viên và giúp Nhàn có chiến lược, cũng như tự tin hơn vào lựa chọn theo đuổi ngách. Trước đó Nhàn học viết và freelance business, tới 2022 Nhàn học tiếp chương trình Being a Solopreneur, doanh thu từ 200M một năm tăng lên 1 tỷ, rồi tiếp tục tăng lên 1,8 tỷ vào năm 2023 và 4 tỷ vào năm 2024. Không phải Nhàn không có năng lực hay sản phẩm của bạn không tốt, mà sự nghi ngờ bản thân và những cảm xúc tiêu cực khiến bạn ít nhiều lần muốn từ bỏ. Và sẽ thật đáng tiếc, nếu bạn từ bỏ thật!
Chị Thanh Mai, một mentee của mình, cũng là một coach về kỷ luật & trì hoãn. Ban đầu, chị đi khá nhiều ngách đa dạng và viết chia sẻ cũng rất nhiều chủ đề: từ learning design, tới phát triển sự nghiệp, phát triển bản thân… Kết quả là chị có khách hàng nhưng rất phập phù và khó dự đoán. Chị cũng bị loay hoay và nghi ngờ về con đường của mình. Khi mình chốt ngách về kỷ luật và trì hoãn, chị chỉ tập trung vào trì hoãn và chia sẻ cho nhóm đang gặp các vấn đề về trì hoãn, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Từng bài viết là một sự kết nối, thấu hiểu - và độc giả bắt đầu tin tưởng, vì thấy hữu ích, bài học thật.
Niềm tin sinh ra khách hàng.
Bạn có thể đọc thêm về case của chị Mai ở đây:
---
Điều hướng cảm xúc - giữ vững tay lái trên con thuyền sáng tạo và kinh doanh
Cảm xúc là nhiên liệu, nhưng cũng có thể là giông bão. Khi làm công việc sáng tạo và kinh doanh độc lập, chúng ta không chỉ chèo thuyền – chúng ta vừa là thuyền trưởng, vừa là người dự báo thời tiết cho chính hành trình của mình.
Có những ngày bạn sẽ thấy mình bất khả chiến bại. Có những ngày, bạn chỉ muốn đóng cửa, tắt máy, biến mất. Và sự thật là: cảm xúc sẽ luôn lên xuống.
Thay vì chống lại nó, hãy học cách điều hướng – như một người thuyền trưởng thông minh, biết khi nào nên hạ buồm, khi nào nên thả neo, và khi nào đủ an toàn để tiếp tục ra khơi.
Dưới đây là một số cách giúp bạn không đánh giá nhầm hành trình – chỉ vì đang đi qua một cơn sóng lớn.
Gọi đúng tên cảm xúc – Không phải “mình kém cỏi,” mà là “mình đang mệt.”
Lùi lại để quan sát – Đi bộ. Viết nhật ký. Tắt social 2 ngày.
Nhìn lại dữ liệu thực tế – Có bao nhiêu người đã mua? Đã inbox? Có ai từng phản hồi tích cực?
Chọn một hành động nhỏ để tiếp tục – Đăng lại bài cũ. Viết một post chia sẻ hành trình. Gửi email hỏi thăm một khách hàng cũ.
Một vài cách rất nhanh mình thường áp dụng:
Dùng quy tắc 3 ngày:
Ngày 1: không ra quyết định, chỉ quan sát và viết nhật ký.
Ngày 2: hỏi feedback từ người bạn tin tưởng.
Ngày 3: chọn một hành động nhỏ để tiếp tục hoặc điều chỉnh.
Phân tầng vòng xoáy:
Cấp 1: Bực bội – Nghỉ ngơi.
Cấp 2: Nghi ngờ – Tự phản hồi + hỏi ý kiến.
Cấp 3: Muốn xóa tất cả – Dừng ngay, không ra quyết định.
Cảm xúc sẽ trôi. Nhưng hệ thống bạn xây – và cộng đồng bạn chạm được – là thứ còn lại.
---
Bạn có thể làm gì?
Viết xuống hôm nay bạn đang ở đoạn nào: Thiên tài hay Kẻ ngốc? (1–10)
Ghi lại 3 “dấu hiệu sống sót” gần nhất: 1 feedback tốt, 1 lượt mua, 1 lần ai đó nhắc đến bạn.
Dùng một prompt AI để khơi lại một chủ đề bạn từng viết nhưng chưa khai thác hết.
Gửi tin nhắn cho 1 người bạn trong nghề: “Tuần này bạn thế nào rồi?” – bạn sẽ bất ngờ khi thấy người khác cũng trồi sụt như mình.
Tự hứa: “Mình sẽ không ra quyết định lớn khi đang ở đáy.”
---
Bạn không cần là thiên tài mọi lúc. Bạn cũng không phải kẻ ngốc chỉ vì hôm nay không có ai mua hàng.
Bạn chỉ là một người đang can đảm bước đi trong hành trình sáng tạo của chính mình – nơi không có bản đồ, chỉ có la bàn nội tâm và những dấu hiệu nhỏ nhoi để đi tiếp.
Nếu hôm nay bạn thấy mình trôi giữa vòng xoáy, hãy nhớ:
Không phải chỉ bạn mới như vậy.
Không phải ngách bạn chọn đã hết thời.
Không phải vì bạn không đủ giỏi.
Có thể, bạn chỉ đang tạm thời quên mất: mình đã từng vượt qua bao nhiêu lần trồi sụt – và vẫn còn ở đây, vẫn còn muốn bước tiếp.
Hẹn gặp bạn trong bản tin tuần tới – nơi mình sẽ chia sẻ về cách phân tầng vòng xoáy này thành 5 trạng thái cụ thể và chiến lược điều hướng từng trạng thái.
Không cần lúc nào cũng phải chiến thắng, chúng ta chỉ cần KHÔNG BỎ CUỘC thôi, bạn ah!
Tại sao những bài viết cứ như dành cho em vậy ạ…. Thực sự e đọc k sót một chữ nào … vì e đang hơi tuột dốc … bài nào c cũng làm e rơi nước mắt … kiểu nó như tâm trạng e lúc này … cảm thấy k một ai hiểu mình … Cảm ơn chị vì bài viết này như 1 cánh tay cho e bám trụ.