Khi sự logic tạo ra đột phá
Hướng dẫn thực hành tư duy phân tích cho solopreneur
“Em không có phân tích được, nhìn số là em hoa mắt”.
“Kinh doanh thì cứ bán hàng thôi chứ đọc số nhiều chỉ làm hoang mang”.
Đã từng có những bạn nói với mình như vậy khi mình chia sẻ về việc solopreneur cần phải có tư duy phân tích và đọc hiểu dữ liệu.
Trong bài viết này, Linh sẽ chia sẻ cho các bạn cách mà tư duy phân tích đã giúp mình “sống sót” không chỉ khi làm kinh doanh, mà là kể cả khi đi xin việc, trong cuộc sống hàng ngày hoặc đơn giản là trong viết lách. Linh cũng sẽ chia sẻ cách mình thực hành rèn luyện tư duy phân tích và 10 bài tập mà bất kỳ solopreneur nào cũng có thể tự thực hành mỗi ngày.
Bắt đầu nhé!
Tư duy phân tích không tự dưng sinh ra, không tự dưng mà có.
Mình vẫn nhớ bài test đầu tiên khi mình apply công việc về PR & Marketing cho một tập đoàn đó là được nhận một bản nháp các thông tin liên quan tới một sự kiện quan trọng. Đề bài là chọn lọc thông tin để viết thành một bài PR hoàn chỉnh, trong đó phải highlight được những điểm mà mình cho là quan trọng nhất.
Giữa một tờ sớ dài 2 trang A4 với rất nhiều dữ liệu, mình pick ra được 01 dữ liệu mà mình cho là ấn tượng nhất để đưa vào phần sapo của bài viết. Sau bài test đó, mình vượt qua 200 ứng viên để trở thành nhân viên chính thức, thậm chí còn được tăng lương ngay trong thời gian thử việc. Hồi đó tất nhiên cũng chả hiểu tại sao mình làm được điều đó :))
Mọi người thường hay có định kiến viết lách là bay bổng lãng mạn không thực tế. Đồng ý là có một ngách viết sáng tác sẽ đòi hỏi điều đó. Nhưng mình không phải nhà văn viết hư cấu hay sáng tác. 15 năm qua, những gì mình viết thật sự là kiểu viết phải dựa trên dữ liệu thực tế, khả năng chọn lọc, tư duy phân tích.
Cách đây 4 năm khi còn dạy viết nhiều, điểm yếu nhất mình nhận thấy ở các bạn học viên (mình đã dạy viết ngót nghét cho khoảng 10,000 bạn) đó là các bạn chưa có tư duy phân tích sắc sảo. Nhưng các bạn thì lại nghĩ là mình không có kỹ năng viết. Kỹ năng viết mình không thấy nó phức tạp, hoàn toàn tự luyện tập viết nhiều sẽ quen tay và cải thiện kỹ năng. Nhưng tư duy phân tích thì phải rèn luyện theo kiểu khác, không phải cứ chăm là có.
Mình từng nhìn vào những con số hay dữ liệu và cảm thấy bất lực. Mình từng sợ số, nghĩ mình dốt các môn tự nhiên, phân tích. Nhưng hóa ra không, mình hoàn toàn có năng lực đó nhờ học tập, nhất là khi phải tự vận hành công việc kinh doanh của chính mình, quan sát sự thay đổi và các số liệu của thị trường, đọc báo cáo ngành… mình thấy mình đã phát triển được tư duy phân tích. Mình đọc số, hiểu bản chất, tạo ra được những câu chuyện từ chúng. Và mình tin mọi người ai cũng có thể.
Bởi vì tư duy phân tích không đơn thuần chỉ là số. Nó là cách:
ta phát triển sự ngoài nghi và tò mò lành mạnh
xác nhận một giả quyết, một dự đoán của ta
kiểm tra các dữ liệu ta có để đến gần hơn với sự thật
Tại sao lại cần tư duy phân tích thì với trải nghiệm cá nhân, mình thấy nó:
tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn giữa mình với đối thủ cùng ngành/nghề/lĩnh vực
mình có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong cả công việc lẫn cuộc sống
cùng với tư duy hệ thống, mình có thể bán được dịch vụ tư vấn chiến lược cho khách hàng nhờ tư duy phân tích này
Kể cả với người chẳng động gì tới số má hàng ngày, mình vẫn tin rằng tư duy phân tích cần phải mài giũa.
Tại sao solopreneur cần tư duy phân tích?
Nếu bạn là một solopreneur như mình, chắc hẳn bạn đang phải đội nhiều cái mũ khác nhau mỗi ngày. CEO, CFO, CMO... you name it! Trong cái guồng quay điên cuồng đó, tư duy phân tích sẽ là cứu cánh của bạn đấy. Tại sao ư?
Quyết định nhanh hơn: Mỗi ngày có cả tỷ thứ phải quyết định, từ chiến lược kinh doanh đến việc nên ăn gì trưa nay. Tư duy phân tích giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định.
Giảm bớt rủi ro: Làm ăn một mình, rủi ro rình rập khắp nơi. Nhưng với tư duy phân tích, bạn sẽ có "siêu năng lực" phát hiện và xử lý rủi ro trước khi nó kịp "tung chưởng".
Tối ưu quy trình: Nguồn lực có hạn nhưng việc thì nhiều vô kể. Tư duy phân tích sẽ giúp bạn nhìn ra những "lỗ hổng" trong quy trình làm việc và "vá" chúng lại một cách ngon lành.
Hiểu khách như hiểu mình: Phân tích dữ liệu thị trường và feedback của khách hàng sẽ giúp bạn "đọc vị" được nhu cầu thực sự của họ. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh sản phẩm/dịch vụ cho phù hợp.
Quản lý dòng tiền hiệu quả hơn: Tư duy phân tích giúp bạn theo dõi, đánh giá và cải thiện tình hình tài chính của biz, bớt dần tình trạng “lên voi xuống chó”.
Sáng tạo hơn: Bằng cách phân tích xu hướng thị trường và nhu cầu khách hàng, bạn có thể tìm ra những ý tưởng mới toanh cho sản phẩm/dịch vụ của mình.
Nhìn xa trông rộng: Tư duy phân tích giúp bạn dự đoán xu hướng và lập kế hoạch dài hạn cho doanh nghiệp. Không lo bị "lạc hậu" nữa!
—
Cách mình rèn luyện tư duy phân tích
Quan điểm nào đang tồn tại và nếu phá vỡ quan điểm đó gì sao?
Có một góc nhìn khác đi, ngược lại không? Bạn có thể đọc bài viết của mình về những quan điểm gai góc đã giúp mình phát triển bản thân và biz như thế nào ở phần comment. Khi nhìn vào các con số, biểu đồ, dữ liệu, hãy tự hỏi: Có điều gì là bình thường? Có điều gì nổi bật hơn? Tại sao cái này cao hơn? Nó khác biệt thế nào?
Cố gắng tìm ranh giới của ý tưởng.
Mọi ý tưởng trên đời này sẽ luôn có hai mặt, nó có thể đúng với bạn hoặc không, nó có thể đúng với người khác mà không hiệu quả với bạn. Nên là hãy luôn hỏi “Điều này sẽ hoạt động trong tình huống nào và không hoạt động trong tình huống nào?
Sự thay đổi diễn ra như thế nào trong bối cảnh tổng thể.
Khi thống kê và quan sát con số doanh thu trong các dự án của mình, mình thường nhìn nó rộng ra xem nó đã thay đổi thế nào theo thời gian, không chỉ đơn thuần là tháng này nhiều hơn tháng trước hay không. Ví dụ: cái này đã thay đổi bao nhiêu lần so với tháng x? tháng này năm nay so với tháng này năm ngoái? nó có thật sự tăng trưởng vượt bậc không hay là đang chững lại? chững lại của năm nay nhưng so với năm ngoái thì thế nào? Mình phát hiện ra một điểm thú vị là tháng thu nhập thấp nhất của năm tiếp theo thường sẽ bằng tháng mình có thu nhập cao nhất ở năm trước đó. Điều đó làm mình thực sự nhìn thấy và đánh giá đúng được sự tăng trưởng của mình.
Không để bị mê hoặc hoặc dẫn dắt bởi con số.
Nhiều người khoe doanh thu triệu đô trong khi nếu tinh ý có thể nhận thấy chi phí họ bỏ ra quá nhiều và lợi nhuận thậm chí là âm. Nhưng lợi nhuận âm cũng chưa chắc đã xấu nếu như họ cố tình chọn chiến lược tăng trưởng thay vì lợi nhuận. Nhiều bạn khoe mình kiếm được xxx triệu một tháng nhưng vấn đề đó là con số trung bình hàng tháng hay là con số đột ngột có được trong một tháng nó lại rất khác nhau. Kiểu vậy, nên có lẽ cần phải có sự tỉnh táo trước, nếu muốn phát triển tư duy phân tích.
Xem mình có thể sai ở đâu, lỗ hổng logic của mình chỗ nào.
Không ai hoàn hảo cả nên nếu như mình có giả định hoặc cho phép mọi người chỉ ra những giả định của riêng họ, mình có thể tìm kiếm dữ liệu và bổ sung thêm niềm tin hoặc điều chỉnh suy nghĩ của mình.
Luôn hỏi câu hỏi “what’s next” và “why”: điều gì tiếp theo và tại sao.
Dù chỉ là một ý tưởng, một bài viết, một dự án kinh doanh, một cuốn sách, một khóa học hay bất kỳ thứ gì mình đang làm, mình sẽ luôn hỏi: Tại sao điều này xảy ra? Tác động của nó là gì? Mình nên làm gì với nó? Mình có thể tìm kiếm manh mối ở đâu để khẳng định những dự đoán hay suy nghĩ của mình?
Bài tập thực hành hàng ngày để "luyện công" tư duy phân tích
Giờ thì mình sẽ chia sẻ với các bạn một số bài tập mà mình hay áp dụng để rèn luyện tư duy phân tích. Đừng lo, không khó đâu, chỉ cần kiên trì thực hiện mỗi ngày thôi!
Phân tích doanh thu hàng ngày:
Ghi chép doanh thu mỗi ngày và so sánh với mục tiêu.
Tìm hiểu xem có yếu tố nào ảnh hưởng đến doanh thu không (ví dụ: nền tảng, nội dung, cạnh ...)
Xem xét mối quan hệ giữa các hoạt động marketing và doanh thu.
Đánh giá hiệu suất công việc:
Liệt kê những việc đã làm trong ngày.
Xem mỗi việc mất bao lâu để hoàn thành.
Tìm ra yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất (ví dụ: làm việc buổi sáng hiệu quả hơn chiều).
Mổ xẻ feedback của khách hàng:
Ghi lại tất cả feedback, tốt có xấu có.
Tìm ra điểm chung trong các feedback tích cực và tiêu cực.
Nghĩ cách cải thiện dựa trên những gì phân tích được.
Theo dõi chi tiêu:
Ghi chép tất tần tật các khoản chi.
Phân loại chi phí theo từng mục.
Tìm cách cắt giảm hoặc tối ưu chi phí.
"Do thám" đối thủ:
Mỗi ngày "ghé thăm" một đối thủ.
Tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của họ.
So sánh chiến lược của mình với đối thủ và nghĩ cách cải thiện.
Đánh giá hiệu quả marketing:
Theo dõi các chỉ số quan trọng của từng kênh marketing.
So sánh chi phí bỏ ra và kết quả thu về từ mỗi kênh.
Nghĩ cách điều chỉnh chiến lược marketing dựa trên phân tích.
Bắt mạch thị trường:
Đọc một bài báo hoặc báo cáo ngành mỗi ngày.
Tìm ra xu hướng mới và đánh giá xem nó ảnh hưởng thế nào đến việc kinh doanh của mình.
Brainstorm ý tưởng để tận dụng hoặc đối phó với xu hướng đó.
Soi kỹ quy trình làm việc:
Mỗi ngày chọn một quy trình để "soi kỹ".
Vẽ sơ đồ quy trình và tìm ra bước nào thừa thãi hoặc cần cải thiện.
Thử nghiệm cách làm mới để tối ưu quy trình.
Phân tích dữ liệu web/app:
Xem xét các chỉ số như lượt truy cập, tỷ lệ chuyển đổi, thời gian trên trang.
Tìm ra trang/tính năng nào được sử dụng nhiều nhất và ít nhất.
Nghĩ cách cải thiện dựa trên hành vi người dùng.
Tự đánh giá kỹ năng và kiến thức:
Mỗi tuần chọn một kỹ năng hoặc lĩnh vực kiến thức cần cải thiện.
Tìm nguồn học tập phù hợp.
Lên kế hoạch học và theo dõi tiến độ.
Làm đều đặn các bài tập này mỗi ngày, dần dần bạn sẽ thấy tư duy phân tích của mình được mài giũa sắc bén hơn đấy. Nhớ là phải kiên trì và áp dụng những gì học được vào thực tế kinh doanh nhé!
Nếu bạn thấy khó khăn khi bắt đầu, đừng nản! Hãy chọn một vài bài tập phù hợp nhất với bạn và làm dần dần. Quan trọng là phải bắt đầu và duy trì thói quen.
Tư duy phân tích và tư duy hệ thống là khác nhau. Trong khi tư duy phân tích giúp mình hiểu cách thức hoạt động của công cụ, thì tư duy hệ thống giúp mình hiểu tại sao mọi thứ lại hoạt động theo cách của nó. Ví dụ khi mình thiết kế một chương trình học tập (ví dụ Being a Solopreneur):
ư duy phân tích giúp mình xác định thuộc tính và tính chất của từng module nhỏ, tư duy hệ thống giúp hiểu về tổng thể các module này được kết hợp với nhau như thế nào và tại sao lại có thứ tự hoặc được kết hợp như vậy
tư duy phân tích tổng hợp sự hiểu biết về từng module và tạo ra sự hiểu biết tổng thể, tư duy hệ thống cho mình hiểu vai trò của module này hoặc chức năng của module này có vai trò gì trong tổng thể chương trình
Bạn cũng có thể đọc thêm bài viết về các góc nhìn gai góc, độc đáo, đi ngược số đông của mình ở đây:
Hẹn bạn trong một bản tin gần nhất về Tư duy hệ thống nhé!
Nếu là một nhà văn thông thường thì có thể suy nghĩ rằng tôi không cần quan tâm tới các con số.
Nhưng nếu là một doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực viết lách thì nhất định phải nắm được con số.
Đơn giản hơn, nếu bạn là một người làm nội dung, content creator chẳng hạn thì ít nhất bạn cũng cần phải biết bài viết của bạn tiếp cận được bao nhiêu người, bao nhiêu lượt đọc...
Con số nói lên một phần của của câu chuyện, để thành công bạn không chỉ giỏi văn mà cũng cần biết tính toán một chút.