

Discover more from Freelance to Freedom
Kinh doanh không thể dựa trên cảm tính
Cách bạn có thể rèn luyện một tư duy chặt chẽ và nghiêm khắc hơn với những suy nghĩ của bản thân.
Nếu bạn bước ra làm solopreneur với một tâm thế “chờ người chỉ cho” giống như khi còn đang đi làm thuê, bạn sẽ không thể sống sót được.
Thay vì nghĩ rằng mình sẽ chờ một ai đó chỉ cho mình cách làm, hãy thay đổi suy nghĩ thành “Tôi muốn làm điều này và đây là lý do tại sao nó lại quan trọng”.
Thực tế là rất nhiều người vẫn ngồi chờ để được khuyên. Họ chú ý đến lời khuyên của người khác và chỉ làm gì đó khi nhận được lời khuyên. Họ không tự ra quyết định, mà luôn luôn chờ đợi ai đó trả lời giúp mình, đặc biệt ở giai đoạn chuyển đổi công việc hoặc chọn ngách mình theo đuổi. Họ lấy nhiều lý do để biện cớ cho việc mình không thoải mái với những thách thức. Họ loay hoay trong việc đánh giá những sản phẩm, quy trình và chiến lược mới. Họ không thể ra quyết định và thậm chí còn chưa nghĩ được quyết định của họ sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự nghiệp, gia đình và cuộc sống của chính họ.
Khi những thách thức đến, thật chẳng dễ để tìm những câu trả lời ngay lập tức. Và nhiều người mong giải quyết vấn đề một cách nhanh nhất dễ nhất cũng là điều dễ hiểu. Nhưng sự nuông chiều này thường mang tới một kết quả tai hại. Chúng ta nhìn thấy phần ngọn, mà tưởng mình đã thấy cả cái cây. Và do không nhìn thấy toàn bộ sự kiện đầy đủ hoặc toàn bộ hệ thống/hoạt động, kèm theo khả năng giả định yếu ớt, chúng ta đơn giản quá mức một vấn đề thực sự phức tạp. Với tư duy này, những gì được gọi là “giải pháp” dạng “quick fixes”, “tips/hack” sẽ được tìm kiếm rất nhiều - nhưng chính chúng cũng là những gì khiến mọi việc trở nên tồi tệ. Chỉ tập trung hay tìm kiếm quick fixes cho mọi vấn đề, theo kiểu “Chị ơi chị có công thức nào để viết bài ra đơn nhanh không” hay “Có cách nào giúp em kiếm được 2 tỷ/năm khi em ra làm solo (trong khi chưa hề có kinh nghiệm) không?” - có thể là biểu hiện của tư duy thiếu chặt chẽ.
Trong bản tin hôm nay, Linh chia sẻ với các bạn một chút về tư duy chặt chẽ và cách để chúng ta có thể cải thiện được kết quả từ những quyết định của mình. Nếu bạn đang tìm kiếm thông tin hay những ý tưởng để đạt được thành công lớn hơn với nỗ lực của mình, xin mời bạn đọc tiếp.
Tư duy chặt chẽ là gì?
Trong một bài giảng của đại học Toronto, tư duy chặt chẽ có nghĩa là:
chia một vấn đề thành nhiều phần
sử dụng tư duy logic để phân tích
Theo Từ điển Oxford, tư duy chặt chẽ là "sự suy nghĩ và phân tích một cách có hệ thống, sâu sắc và cẩn trọng dựa trên các nguyên tắc logic".
Tuy nhiên, cho đến giờ, “tư duy chặt chẽ” vẫn là một thuật ngữ khá mơ hồ khi được mình đi hỏi mọi người.
Với mình, tư duy chặt chẽ là biết đặt ra những câu hỏi quan trọng về chi tiết, chiến thuật để từ đó đưa ra những quyết định lớn mang tính hệ thống.
Trong sách "Rigorous Thinking for Deeper Learning", tác giả Richard Paul định nghĩa tư duy chặt chẽ là tư duy "dựa vào chuẩn mực chính xác của logic và các công cụ phân tích". Tư duy này tập trung vào việc nghiên cứu cả hai phía của vấn đề để đi đến kết luận hợp lý nhất.
Trong kinh doanh, mình nghĩ tư duy chặt chẽ sẽ được thể hiện ở khía cạnh:
biết xác định vấn đề một cách rõ ràng, phân tích nguyên nhân sâu xa (ví dụ khi mình cho học viên tìm hiểu các vấn đề của khách hàng thì có rất ít người thực sự có thể đào sâu và xác định vấn đề cụ thể, thay vào đó rất chung chung đại khái)
biết xem xét vấn đề một cách toàn diện, từ nhiều góc độ
biết thu thập, đánh giá, tổng hợp dữ liệu hoặc các bằng chứng một cách khách quan
biết suy nghĩ về những giải pháp thay thế và so sánh ưu nhược điểm
biết lập luận mạch lạc, có cơ sở logic và khoa học
biết cân nhắc tới hệ quả, rủi ro tiềm tàng khi ra quyết định
biết đánh giá quyết định sau khi thực hiện để rút ra bài học
Nhờ tư duy chặt chẽ, solopreneur có thể vận hành biz hiệu quả hơn, đưa những quyết định đúng đắn và phát triển bền vững hơn.
Nó trái ngược hoàn toàn với tư duy rời rạc/sơ sài/lười biếng, thiếu chặt chẽ. Tư duy rời rạc là khi đưa ra những giả định nhưng chính bạn không biết đó là giả định. Nó theo kiểu “Bỗng một ngày cách đó hoạt động và chúng tôi có hàng nghìn đăng ký”.
Tư duy sơ sài so với tư duy chặt chẽ
Sơ sài:
“Chị, em có thể làm (một chiến thuật nào đó mà đối thủ cạnh tranh đang làm) không?
=> Những ý tưởng bất ngờ và nửa vời xuất hiện phản ánh việc suy nghĩ thiếu thấu đáo và cực kỳ mệt mỏi trong việc ra quyết định. Ý tưởng có thể chẳng dẫn bạn đi tới đâu.
Chặt chẽ:
“Chị, em nghĩ em sẽ làm (chiến thuật). Điểm lợi của nó và tại sao nó đáng giá với thời gian ngân sách của em là………. Tuy nhiên, điểm trừ là………… Em nghĩ để cải thiện điểm trừ thì em sẽ thử nghiệm (với mọt mẫu nhỏ hoặc theo một bức nhỏ) là……… Em có thấy bạn A và B đã thử, em sẽ tham khảo thêm cách họ làm. Chị thấy sao? Nếu chị thấy cũng ổn, bước tiếp theo sẽ là………… Em sẽ cập nhật lại với chị khi có những kết quả đầu tiên”.
=> Không có ý tưởng tồi, quan trọng là kiểm tra và đánh giá ý tưởng. Nếu ý tưởng không hoạt động, cũng chẳng sao cả vì vẫn còn nhiều ý tưởng khác hiệu quả hơn. Đó là cách suy nghĩ của chúng ta sắc sảo hơn theo thời gian.
Tại sao cần có tư duy chặt chẽ?
Mục tiêu của tư duy chặt chẽ là suy nghĩ một cách có kỷ luật hơn. Thay vì làm mọi thứ tùy hứng, nó cho phép ta hành động có chủ đích hơn, từng bước từng bước một giải quyết vấn đề. Sức mạnh của tư duy chặt chẽ là tối ưu hóa nỗ lực của mình, bổ sung thêm kiến thức nền tảng và đặc biệt… ra quyết định đúng đắn hơn dù là vì mục đích kinh doanh hay cá nhân.
Những quyết định tốt mang lại nụ cười, sự tự tin và lợi ích hoặc lợi nhuận; và những quyết định tồi mang lại sự cau có, bất an và chi phí hoặc tổn thất.
Nếu bạn biết cách giải quyết một vấn đề thì đó không phải là vấn đề. Những vấn đề khó chịu, hoặc tái diễn, là những vấn đề nằm ngoài cách tiếp cận thông thường của bạn. Khi cách tiếp cận thông thường của bạn không hiệu quả, bạn nên nhận ra rằng những hiểu biết mới, quan điểm mới và thông tin mới cần được đưa ra và mổ xẻ.
Những giải pháp mà chúng ta đưa ra cho mình có thể có những lỗ hổng, bởi vì:
Chúng ta dễ bỏ lỡ những chi tiết quan trọng. Có một hiện tượng Baader-Meinhof là khi bạn vừa học được gì đó/trải qua một tình huống rồi đột nhiên bạn thấy nó ở khắp mọi nơi nhưng sự thật này trước đây không tồn tại, mà là bởi cá nhân đã thu hút sự chú ý nhiều hơn tới sự thật này. Ví dụ bạn không để ý tới những người làm solopreneur, cho tới khi bạn làm solo và phát hiện ra quanh mình cũng có rất nhiều. Một số người gặp phải hiện tượng này khi mới tham gia một thị trường ngách, sau đó bị hoảng loạn và lo lắng khi thấy “Có quá nhiều người làm nó rồi, liệu mình có làm được nữa không”. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu bạn có đang thường xuyên bỏ qua những gì hiện diện thật sự vì nó không liên quan tới cá nhân chúng ta không?
Tâm trí chúng ta có rất nhiều khoảng trống. Chúng ta không nhìn mọi thứ như chúng vốn có, chúng ta nhìn mọi thứ như chúng đang là hoặc như thể chúng ta có điều kiện trở thành. Sự thật khách quan được thiết lập bằng bằng chứng. Sự thật của đám đông được thiết lập bằng cách lặp đi lặp lại. Còn sự thật cá nhân đôi khi được thiết lập bằng niềm tin. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Bạn có thường xuyên tạo ra những hình ảnh/suy nghĩ thiếu khách quan, chỉ dựa trên niềm tin của chúng ta không?
Chúng ta dễ có xu hướng để người khác xác nhận danh tính cho mình. Con người có xu hướng tìm kiếm những người (và các nguồn lực) để khẳng định niềm tin của mình. Đó là thiên kiến xác nhận, xu hướng tìm kiếm thông tin/những người ủng hộ những gì bạn đã tin. Nó có thể giúp các bạn cảm thấy ổn nhưng nó không phải là tư duy chặt chẽ. Câu hỏi đặt ra là: Bạn có bao giờ tự phản biện những suy nghĩ hoặc quan điểm đa dạng của người khác về mình (hoặc một vấn đề nào đó) không?
Chúng ta cũng dễ chấp nhận niềm tin của người khác. Những người hoài nghi có thông tin sẽ có khả năng đặt câu hỏi đúng để không bị thao túng. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. “Khách hàng nói chương trình này của em giá quá cao, em cũng thấy cao thật”, nghe quen không? Câu hỏi đặt ra là: Bạn có thể chắc chắn tới mức nào về niềm tin được chấp nhận của mình?
Và bởi tất cả những lỗ hổng này, chúng ta cần rèn luyện cho mình một tư duy chặt chẽ, nghiêm khắc, logic hơn. Nhưng bằng cách nào?
Làm thế để có thể bắt đầu tư duy chặt chẽ?
Tư duy chặt chẽ là phải kỹ lưỡng và đầy đủ một cách hợp lý. Một số vấn đề không phải lúc nào cũng đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ quá chặt chẽ. Bản năng có thể thứ vũ khí hữu hiệu đầu tiên. Bạn không cân biết nồi phải nóng bao nhiêu độ thì mới rụt tay lại. Nhưng các vấn đề phức tạp thì không thể chỉ dùng bản năng, vì khi một vấn đề đòi hỏi tư duy chặt chẽ, không có đủ sự chặt chẽ thì bạn sẽ sớm phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác.
Cách tốt nhất để bắt đầu là đảm bảo rằng bạn hiểu vấn đề hoặc thách thức. Bạn cần bắt đầu hỏi (các) câu hỏi đúng. Bạn đã bao giờ cố gắng giải quyết một vấn đề và sau đó phát hiện ra rằng bạn đã bắt đầu bằng cách hỏi tất cả các câu hỏi sai chưa? Đừng che giấu triệu chứng, không thì “bệnh” của bạn không chữa nổi đâu.
Những điều đầu tiên để hình thành và tăng cường tư duy chặt chẽ đó là:
Chấp nhận sự thật rằng chúng ta ai cũng đều đang thiên vị
Chấp nhận rằng hệ thống niềm tin đang định hình các quyết định thiên vị của bạn (văn hóa, tôn giáo, cách bạn được nuôi dạy, những sự kiện trong quá khứ…)
Ra quyết định từ tốn hơn, làm chậm quá trình ra quyết định.
Thu thập những góc nhìn đa dạng
Đặt câu hỏi về tất cả những niềm tin và giả định của bạn hoặc người khác dù bạn có đồng ý hay không
Nhận ra những bằng chứng bằng hợp lệ là đủ dữ liệu để thay đổi suy nghĩ
Đâu là sự thật khách quan, đâu là sự thật đám đông và đâu là sự thật cá nhân?
Suy nghĩ thật khó, đó là lý do tại sao rất ít người làm điều đó (Albert Eintein). Ai cũng cần phải học cách nghĩ. Và đây là những gì gợi ý cho bạn có thể học.
Những câu hỏi để rèn luyện tư duy chặt chẽ
Những câu hỏi về bản thân và đời sống:
Tôi có đủ tò mò không? Hoài nghi nhũng gì cho là hợp lý là một cách phát triển tư duy chặt chẽ - đặt câu hỏi cho hầu hết mọi lẽ thường.
Những thói quen, hành vi, thói quen và niềm tin nào kiểm soát những đánh giá của tôi? Tất cả chúng có chính xác và khách quan không? Chúng có thể được cải thiện không? Hãy nhớ: Sự điên rồ là làm đi làm lại cùng một việc và mong đợi những kết quả khác nhau.
Tôi có đang vô thức ép buộc bản thân vào một tư duy cố định không? Nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự lừa dối mình, và bạn là người dễ lừa nhất.
Tôi có tìm kiếm câu trả lời ở cùng một nơi không? Chúng ta có xu hướng dựa vào cùng một bộ thông tin để đưa ra phán đoán. Hãy xem xét các bối cảnh/thông tin mà bạn thường bỏ qua.
Tôi đã xem xét tất cả các lựa chọn và kết quả khả thi chưa? Hãy suy nghĩ về hậu quả thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư của các quyết định của bạn.
Lần cuối cùng tôi đổi ý là khi nào? Học cách thay đổi suy nghĩ của bạn khi bạn tìm thấy kiến thức mới chứng minh niềm tin, mô hình và nhận thức hiện tại của bạn là sai.
Những câu hỏi về hoạt động kinh doanh:
Mọi thứ đang hoạt động thế nào?
Cái này dành cho ai?
Tại sao họ lại cần làm điều mà bạn muốn họ làm? (đăng ký, tải xuống gì đó, tham gia một sự kiện, chia sẻ trên MXH, mua hàng…)
Làm cái này để làm gì?
Phần khó nhất là gì?
Thành công sẽ như thế nào?
Mình có thể tự làm đều này không hay cần có thêm nguồn lực khác?
Làm sao để thử nghiệm ý tưởng mà ít rủi hơn? Ít rủi ro hơn nữa? Ít rủi ro nhất?
Mình có những mô hình hay khung tham chiến nào? Có ai đã thử mô hình tương tự để học hỏi không? Mình độc đáo hơn họ ở điểm nào?
Cách này hiệu quả thế nào đối với sự ảnh hưởng/uy tín hiện tại của mình?
Có những cam kết, ràng buộc nào ở đây không?
Nếu quyết định tiếp tục làm điều này hôm nay, thì việc đầu tiên mình cần làm là gì?
Bạn có thể dành thời gian để tự hỏi và trả lời những câu hỏi này trước, hoặc dành cả đời chỉ để liên tục sửa chữa những sai lầm của mình. Mình tin rằng khi rèn luyện và có được tư duy chặt chẽ, bạn sẽ được giảm tải rất nhiều trong công việc, đồng thời nâng cao chất lượng công việc và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Lloyd Alexander đã đúng, "Chúng ta học được nhiều hơn bằng cách tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi và không tìm thấy nó hơn là chúng tôi học được câu trả lời."
Sự minh mẫn của tâm trí chỉ trở nên tốt hơn nếu bạn nghiêm túc về việc trở nên khôn ngoan hơn vào ngày mai và dành thời gian chất lượng cho bộ não để tạo ra các kết nối tốt hơn.