Hôm nay Linh không viết bản tin. Linh viết những lời tâm sự chân thành nhất dành cho những người đang xây dựng sự nghiệp solo, để tìm ra ý nghĩa “đích thực” trong từng lựa chọn - dưới góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh.
“Trong cuộc đời ngắn ngủi này, thứ bạn phải học cách trân quý, không phải là ‘nhiều’ cơ hội, mà là quyền được tự do chọn và rồi dám sống trọn vẹn với lựa chọn của mình.”
Khi tự do trở thành gánh nặng
Jean-Paul Sartre có một câu nói nổi tiếng:
“Con người bị kết án phải tự do. Ngay khi xuất hiện trên đời, chúng ta đã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với mọi việc mình làm.”
Nghe có vẻ nghịch lý: tự do là món quà hay là án phạt?
Với nhiều người, tự do là ước mơ cháy bỏng thoát khỏi áp lực 9-5, thoát khỏi lối mòn nghề nghiệp, tha hồ “làm điều mình muốn”.
Với nhiều người khác, tự do trở thành gánh nặng, bởi mỗi quyết định đều có thể dẫn đến sai lầm. Không còn ai “chỉ việc” rõ ràng, không còn ai cầm tay hướng dẫn. Mọi gánh nặng dồn về chính mình.
Đặc biệt, trong thời đại thông tin bùng nổ và biến động không ngừng như hiện nay, việc sở hữu tự do nhưng không biết mình muốn gì còn mệt mỏi hơn cả việc không có tự do.
Có một câu chuyện mình muốn kể cho bạn. L. tìm đến mình trong một buổi tham vấn ngắn. Cô ấy nói:
“Em bỏ công việc văn phòng để làm solo copywriter, vì em nghĩ nó là niềm đam mê. Nhưng giờ em lại quay cuồng với deadline, dự án ngắn hạn chồng chéo, không còn thời gian nghỉ ngơi. Em không chắc mình đã chọn đúng chưa. Thậm chí, em còn sợ rằng em chẳng có lựa chọn nào khác…”
Bạn thấy mâu thuẫn chứ? L. đã chọn một con đường khá tự do: không sếp, không gò bó. Nhưng giờ đây, cô ấy cảm giác mình lại đang “tự cầm còng xích” cho chính mình, bởi quá nhiều dự án, quá nhiều cam kết. Từ khát khao tự chủ, dần dần, cô rơi vào bẫy chính do mình tạo ra.
L. không khác gì mình, của những năm đầu tiên khi bắt đầu tách ra làm solo: nhiều lần hoang mang, lo lắng, cảm thấy mắc kẹt trong chính mong muốn tự do tự chủ của mình.
Trong chủ nghĩa hiện sinh, mâu thuẫn này không hề xa lạ. Bởi cốt lõi của nó là: làm gì có con đường nào sẵn “trải thảm đỏ”? Bạn phải tự thắp sáng đường đi. Và cái giá của tự do nằm ở chỗ: thật khó để dám thừa nhận “Mình đã chọn sai”, hay “Mình phải tạm ngưng để điều chỉnh.”
Giấc mơ tự do: Từ áp lực 9-to-5 tới áp lực 24/7
Hầu hết mọi người khởi đầu hành trình solo với ước mơ thoát khỏi vòng luẩn quẩn văn phòng. Để rồi, đôi khi họ lại rơi vào vòng xoáy khác: “Thật ra mình đang làm việc 24/7, phải tự xử lý mọi thứ, thậm chí rã rời hơn xưa.”
H. là một chuyên gia về dinh dưỡng. Cô nghỉ hẳn việc tại bệnh viện, muốn mở dịch vụ tư vấn dinh dưỡng online. Những ngày đầu, H. phấn khởi vô cùng chưa bao giờ cô được quyền “ra quyết định” nhiều đến thế. Nhưng chỉ sau 4 tháng, H. nói:
“Lượng khách ngày càng đông, em không nỡ từ chối ai. Em mệt mà không dám nghỉ, sợ bị bỏ lỡ khách hàng. Khi ít bệnh nhân, em lo không có tiền. Khi đông bệnh nhân, em căng thẳng cực độ. Em tự hỏi có phải mình đang sống y hệt một con robot không?”
Nhìn từ góc độ hiện sinh, H. đang vướng vào khái niệm “bad faith” (Sartre) khi con người từ chối nhìn nhận trách nhiệm lựa chọn, và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Ở đây, H. hoàn toàn có quyền giới hạn số lượng khách, sắp xếp thời gian, thậm chí tạm nghỉ 1-2 tháng để điều chỉnh. Nhưng vì sợ hãi hay vì “nghĩ rằng phải làm thế,” cô quên mất mình có quyền chọn.
Tự do, như vậy, có đó, nhưng H. không dám sử dụng. Và đó chính là lúc tự do biến thành gánh nặng.
“Cuộc sống phi lý” và lựa chọn có ý thức
Albert Camus cho rằng: “Cuộc sống là một chuỗi những điều phi lý. Đừng đòi hỏi nó phải có ý nghĩa từ trước. Hãy tạo ra ý nghĩa cho chính mình.”
Đối với người làm solo, sự “phi lý” này nhìn thấy rất rõ. Không có gì đảm bảo một workshop bạn mở sẽ đông khách. Cũng không có gì đảm bảo bạn viết một bản tin dài 3,000 chữ, sẽ có ai đọc. Thị trường “bất định”, trào lưu đổi thay từng ngày.
Nhưng: chính trong cái phi lý ấy, bạn có thể bước ra và nói:
“Tôi sẽ tạo ra nội dung, sản phẩm, dịch vụ mà tôi tin tưởng. Tôi sẽ tự đặt ra ‘luật chơi’ cho mình. Tôi biết rủi ro, nhưng tôi chấp nhận chúng như một phần của hành trình.”
Đó là bước nhảy can đảm. Và đấy cũng là cách duy nhất để “thuần hóa” nỗi bất an.
Mình từng nhận được câu hỏi: “Chị ơi, làm newsletter chả ai đọc thì làm để làm gì?”
Thú thật, lúc ban đầu, mình cũng chẳng biết liệu có ai quan tâm đến những gì mình viết. MÌnh chỉ biết: nếu không viết, tôi cảm thấy bản thân đang nợ chính mình một lời giải thích.
Những bản tin đầu tiên ra đời. Từng tuần, mình dấn thêm một bước: cho thêm câu chuyện, thử mở ra góc chia sẻ cá nhân. Người đọc đúng với tệp mà mình mong muốn dần dần tìm đến. Một số sẵn sàng trả phí để đọc bản tin nâng cao.
Khi nhìn lại, mình hiểu: việc mình dám làm đã gieo hạt mầm kết nối, chứ không phải bởi “thị trường” hay “thuật toán”. Ở khía cạnh hiện sinh, đó chính là cách bạn tự định nghĩa giá trị của mình.
Và như Albert Camus nói: “Cách duy nhất đối mặt với thế giới không tự do, là sống sao cho chính sự tồn tại của bạn trở thành một hành động nổi loạn.”
Nếu ai cũng sợ “không ai đọc” mà không viết, chúng ta đã đánh mất cả thế giới nội dung vô giá.
8 câu hỏi tự vấn cho hành trình solo với màu sắc hiện sinh
Điều gì khiến bạn tỉnh giấc mỗi sáng?
Nếu bạn không có câu trả lời, cũng không sao. Chỉ cần hỏi, và lắng nghe từng manh mối. Việc dám hỏi là một dạng can đảm.
Bạn “phải” làm gì? Và bạn “chọn” làm gì?
Một khi đã bước vào đường solo, ít nhất 50% công việc là do bạn chọn. Phân định rõ đâu là “bắt buộc” (thuộc về trách nhiệm cơm áo) và đâu là “chọn lựa” (có thể thay đổi).
Bạn đang trì hoãn chuyện gì, nhân danh “chuẩn bị kỹ”?
Ranh giới giữa “chuẩn bị” và “trì hoãn” rất mỏng. Viết 5 bản kế hoạch, học 3 khóa nữa đôi khi không giúp bạn tiến bộ bằng một lần can đảm thử.
Thất bại tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Hãy viết ra, phân tích nó. Bạn sẽ thấy nó thường ít đáng sợ hơn trong đầu.
Nếu mọi con đường đều ẩn chứa rủi ro, bạn có dám chọn con đường mà tim bạn mách bảo?
Bởi chẳng có con đường nào “chắc thắng” cả.
Bạn có chấp nhận mất đi một số mối quan hệ hoặc sự yên ổn ban đầu để đổi lấy tự do hay không?
Một cách tự nhiên, khi ta thay đổi, một số người sẽ rời khỏi vòng kết nối. Điều đó bình thường.
Bạn còn điều gì chưa dám từ chối, mặc dù hiểu rất rõ nó đang hủy hoại mình?
Có khi, chỉ một quyết định từ chối dứt khoát sẽ cởi trói cho cả cuộc sống của bạn.
Bạn có dám vui chỉ vì bạn muốn?
Tưởng chừng đơn giản, nhưng nhiều người quên rằng, mình có thể chọn an vui, dù hoàn cảnh chưa hoàn hảo.
Có bài tập nhỏ này Linh mong bạn có thể tự thực hành:
Liệt kê 3 quyết định quan trọng bạn đang trì hoãn hoặc chưa chắc chắn.
Viết ra cho mỗi quyết định: “Lý do thật sự mình chưa hành động.” Phải thành thật hết sức!
Chọn một trong số đó để thực hiện hành động đầu tiên trong vòng 48 giờ tới (càng cụ thể, càng tốt).
Cứ làm đi, sai thì ta học, đúng thì ta tiến. Quan trọng là bạn sống với lựa chọn của mình.
Câu chuyện bên lề: tại sao nhiều người rời bỏ con đường solo?
Nhiều solopreneur, sau 1-2 năm bươn chải, quyết định quay về môi trường đi làm công ty. Điều đó không có nghĩa họ thất bại. Có khi, đó mới chính là lựa chọn đúng đắn, mang tính hiện sinh đích thực.
Vì sao? Bởi chủ nghĩa hiện sinh không bắt buộc bạn phải “solo” hay “khởi nghiệp” cho bằng được. Nó chỉ đòi hỏi bạn thành thật với mong muốn của mình. Nếu bạn nhận ra rằng “Mình muốn làm chuyên sâu nghiên cứu, và môi trường công ty giúp mình làm điều đó tốt hơn, hạnh phúc hơn,” thì về lại 9-5 là quyết định trung thực nhất.
Điều này xóa bỏ một ảo tưởng rằng “Tự do = solo”. Không. Tự do = thật thà với giá trị và nhu cầu cốt lõi của chính bạn, rồi dấn thân trọn vẹn.
Có một điều quan trọng mình muốn nói đó là về sự phi lý của thế giới này - nơi mà những câu chuyện thắng thua là những điều rất mong manh.
Bối cảnh kinh tế biến động, trí tuệ nhân tạo phát triển, lạm phát lên xuống không báo trước, v.v. Tất cả càng khiến chúng ta chìm trong sự bất định. Thắng thua đôi khi chỉ cách nhau vài tin tức, hay một chính sách mới.
Vậy nên, nếu ta chỉ dựa vào kết quả bề nổi để xác định “tôi là ai, tôi có giá trị hay không,” thì quá rủi ro. Chủ nghĩa hiện sinh đề xuất một cách tiếp cận khác:
“Tôi lựa chọn hành động này, vì nó khớp với niềm tin và giá trị của tôi.”
Nếu kết quả tốt, tôi vui. Nếu kết quả không như ý, tôi tìm cách chỉnh sửa. Nhưng tôi không vứt bỏ con người mình chỉ vì một lần thất bại.
Quan trọng nhất: kể cả khi mọi thứ hỗn loạn, các giá trị, nguyên tắc, và động lực cá nhân của bạn vẫn là “kim chỉ nam” ổn định nhất.
Vậy chúng ta thật sự lựa chọn điều gì?
Không ai trao cho bạn một “câu trả lời chuẩn.” Không ai dán nhãn “Đây, con đường này là đúng 100%.” Chúng ta bắt buộc phải tự soi rọi, tự chọn, và tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn đó đó chính là “Tự do + Trách nhiệm” trong chủ nghĩa hiện sinh.
Nếu vẫn băn khoăn, hãy nhớ câu của Delmore Schwartz:
“Không ai khác có thể tắm thay bạn.”
Nghĩa là: dù bạn thuê mentor, đọc sách, tham gia lớp học, dùng ChatGPT hay bất kỳ công cụ nào, rốt cuộc vẫn là bạn đi vào bể nước. Bạn cảm nhận cái lạnh, bạn tự làm ướt mình. Chẳng ai làm việc ấy thay bạn, cũng chẳng ai chịu trách nhiệm thay bạn.
Đó không phải là một kết luận bi quan. Đó là sự thật giúp chúng ta trở nên trưởng thành.
Cuối cùng,
Hãy chọn sống một cuộc đời mang “dấu ấn” của riêng bạn.
Camus từng bảo:
“Ngay cả trong vực thẳm đen tối nhất, sự sáng suốt có thể sưởi ấm chúng ta.”
Hay Sartre nói:
“Chúng ta không biết mình muốn gì và lại chịu trách nhiệm về chính mình đó là một sự thật.”
Đối với Linh, sống theo tinh thần hiện sinh có nghĩa là:
Mỗi lần ra quyết định (lớn hoặc nhỏ), hãy nhớ: nó có thể sai, và chỉ bạn sửa được sai.
Mỗi lúc lười, muốn trì hoãn, hãy nhắc: mình đang thoái thác trách nhiệm làm chủ cuộc đời mình chăng?
Mỗi khi thành công, hãy biết ơn: vì bạn đã đủ dũng khí để hành động.
Khởi nghiệp solo hay đi làm công ty, bận rộn hay thư thả, kiếm được thật nhiều tiền hay đủ ăn đủ mặc… đều có thể là một phiên bản hạnh phúc nếu nó thực sự phản chiếu giá trị và lựa chọn của chính bạn.
Chúng ta không đi quá nhanh, nhưng đi thật và đi cùng nhau.
Hẹn bạn trong những ngày tháng sắp tới, dù có solo hay không solo.
em siêu thích bài này chị Linh ơi :D
Linh viết bài này hay quá! Nó rất giống với những suy nghĩ của mình hiện tại với công việc mình đang lựa chọn. Tuy nó không phải là solo-prenenuer nhưng cũng có hình thái của sự tự do, sự chủ động và phải quán xuyến tất cả công việc mình cần phải làm. Bản chất là khi khởi nghiệp, mình thấy rất thoải mái và có nhiều tự do trong quyết định. Đôi khi nó chính là cái bẫy của sự thoải mái dần dần làm mình quên đi mất sự lựa chọn ban đầu và lý do của nó. Phải luôn nhắc nhớ vì sao mình lựa chọn điều này, công việc này thì mình sẽ tìm cách điều chỉnh và quyết định đi về phía trước với suy nghĩ đúng đắn nhất. Cảm ơn Linh nha.