Thế giới trực tuyến năm 2023: những xu hướng sẽ định nghĩa lại hoạt động kinh doanh của freelancer/solopreneur
Bản tin số #2282: Trở ngại càng lớn, vinh quang càng nhiều
Có rất nhiều trở ngại chúng ta đã phải vượt qua trong năm sắp tới, trong tư cách một người làm chủ hoạt động kinh doanh của mình. Từ chuyện khó khăn trong việc thu hút và giữ chân người dùng Zoom tham gia vào các hội thảo trực tuyến, tới sự cạnh tranh của thị trường, sự ra đi của khách hàng, những lo lắng về suy thoái kinh tế khiến mọi người do dự hơn trong việc chi tiêu… Nhưng bất chấp những khó khăn này, mình tự hào khi Freelance to Freedom, Business of You Academy và hệ sinh thái các sản phẩm của mình (coaching/training/writing) vẫn tăng trưởng tới 175%.
Rất nhiều bài học quý giá mình đã học được trên đường đi và trong bản tin hôm nay, mình sẽ chia sẻ cho bạn 09 xu hướng đang thay đổi thế giới trực tuyến và các hoạt động kinh doanh của những người làm freelancer/solopreneur.
Nếu bạn đang chuẩn bị cho một năm 2023 với nhiều thành công, hãy chú ý bởi những xu hướng này sẽ nắm giữ chìa khoá quan trọng cho sự tăng trưởng của bạn.
Xu hướng 1: Làm chủ nội dung trên nền tảng riêng
“Liệu facebook còn tồn tại tới bao giờ?”. Rất nhiều nền tảng trước đó đã từng sụp đổ: myspace, yahoo360, google+… Đó chính là sự không chắc chắn trong thế giới trực tuyến này. Và đó là lý do vì sao từ 5 năm trước mình đã nói rất nhiều về việc chúng ta cần có những nền tảng riêng, đồng thời làm chủ nội dung của mình.
Có quyền kiểm soát với những kênh riêng, để không còn một ngày đẹp trời thức dậy và nhận thấy account trên mạng xã hội của mình đã biến mất (giống như mình đã từng đánh mất 40,000 followers năm 2021).
Xuất hiện trên những kênh này vẫn cần thiết nhưng đừng dựa vào chúng như nguồn sống với nguồn khách hàng duy nhất.
Xu hướng 2: Chiến lược email phải đặt lên hàng đầu
Trong nhiều năm, chúng ta nghe về chuyện tiếp thị qua email đã chết. Nhưng với sự biến động của mạng xã hội, giá trị của việc sở hữu độc giả của riêng mình, email trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Mình đã làm việc với rất nhiều người, kể cả là doanh nhân cũng vẫn do dự trong việc gửi email thường xuyên vì cảm thấy phiền nhiễu, lo lắng bị huỷ đăng ký.
Nhưng sao chúng ta lại phải nghĩ rằng mình sẽ phải tiếp thị người mà họ không quan tâm tới những gì chúng ta cung cấp? Tại sao chúng ta lại phải tập hợp email khi chúng ta không có ý định sử dụng nó để phát triển kinh doanh và mối quan hệ với khách hàng?
Tập trung vào những người đã muốn theo dõi chúng ta, tập trung vào những ai thực sự mong chờ chúng ta chia sẻ, tập trung vào cung cấp những giá trị cho độc giả của bạn qua email để xây dựng một mối quan hệ sâu sắc hơn.
Bạn sẽ nhận ra có những người sẽ mua sản phẩm của bạn sau 1 email, nhưng có những người sẽ mất vài tuần, vài tháng thậm chí vài năm.
Với việc ra mắt bản tin trả phí và duy trì nó, mình không chỉ có sự kết nối với những người cũ mà còn:
thu hút được gần 14,000 độc giả (từ 4/2021 - 12/2022)
doanh thu từ việc đọc trả phí cán mốc $2600 tháng 12/1022
xây dựng và triển khai khoá học về Newsletter Business (Kiếm tiền từ bản tin trả phí) đầu tiên và có lẽ là duy nhất (tính tới thời điểm này) tại Việt Nam - để lại đăng ký cho Linh nếu bạn quan tâm tới khoá học này!
từ bản tin đã bán được rất nhiều các chương trình và dịch vụ đi kèm
Xu hướng 3: Cải tiến các chương trình trực tuyến
Năm 2020-2021, hội thảo và các sự kiện trực tuyến đã bùng nổ bởi mọi người ai cũng đều ở trên… Zoom. Các khoá học trực tuyến trải qua sự bùng nổ cũng do là vậy. Nhưng sau đại dịch, việc thu hút khách hàng hoặc khán giả tham gia Zoom sẽ khó khăn hơn. Bởi vậy, những hoạt động trực tuyến giờ đây phải được thiết kế để tạo ra nhiều sự kết nối, tương tác nhiều hơn và cung cấp những giá trị mà khách hàng có thể hành động ngay lập tức.
Chẳng hạn như tạo ra các template để họ có thể sử dụng ngay sau khi tham gia workshop. Hoặc là:
tặng quà trong suốt sự kiện
mời khách mời đặc biệt để hỏi đáp
có 1-2 người trong team tương tác tích cực với người tham gia
hoặc là với mỗi chủ đề sẽ đi kèm trang phục, đạo cụ khác nhau
An tâm, việc tổ chức hội thảo trực tuyến còn lâu mới chết. Nhưng nó cần phát triển để phục vụ tốt hơn cho khán giả của bạn.
Xu hướng 4: Những hình ảnh bóng bẩy hoàn hảo không còn tạo ra sự tin cậy
Nhiều năm trước mình thấy cứ 10 người ra làm kinh doanh thì 6 người sẽ chụp ảnh studio, khoanh tay hoặc tạo dáng cả 10 người như một. Họ nghĩ mình cần phải trở nên bóng bẩy khi xuất hiện và phải khoe thành tích, số tiền họ kiếm được hay đội ngũ của họ hùng hậu, bản thân họ giỏi giang ra sao… nhưng sự thật là trong thế giới trực tuyến (xin nhấn mạnh là trực tuyến thôi nhé ạ) này, mọi người muốn tương tác với một-người-thật.
Đừng sợ sai sót, đừng sợ mình chưa chuyên nghiệp. Chỉ cần bạn làm và tiếp tục cải thiện nó nhưng vẫn dựa trên những gì bạn có. Sự cởi mở, chân thành mới là những gì thu hút khách hàng của bạn.
Hãy kể những câu chuyện về sai lầm của bạn, những bước đi chệch choạc, những lần bạn thất vọng, khiến người khác thất vọng hoặc thậm chí là các thất bại. Những điều này mới tạo ra niềm tin, sự tôn trọng của độc giả.
Và hãy nhớ trong thời kỳ mọi thứ trên mạng đều khó tin, thì niềm tin mới là “mặt hàng” quý giá nhất.
Xu hướng 5: Đừng tiết kiệm cho copywriting và sáng tạo nội dung
Ở xu hướng 2, mình đã nói rằng có rất nhiều người đang bỏ bê việc tiếp thị qua email và bỏ lỡ nhiều cơ hội đối với họ. Thì copywriting và content writing cũng ở trong tình trạng tương tự.
Sáng tạo nội dung và viết quảng cáo tốt sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cực kỳ tốt, dù bạn chẳng phải trả một xu nào cho quảng cáo (giống như mình).
Khi tập trung vào viết quảng cáo và sáng tạo nội dung, mình có thể bán được thậm chí vài trăm triệu chỉ với 2 bài viết mà không cần quảng cáo.
Kỹ năng viết nội dung và quảng cáo sẽ là một trong những kỹ năng xứng đáng để bạn bỏ thời gian, công sức và tiền bạc đi để học hoặc là thuê freelancer làm việc cho bạn.
Xu hướng 6: Video, video và video
Chuyên gia tiếp thị truyền thông xã hội dự đoán Youtube sắp trở thành nền tảng lớn nhất về video ở cấp độ hoàn toàn mới, sau đó là TikTok.
Vì vậy nếu bạn đang do dự về video, giờ là lúc nên bắt đầu rồi!
Hãy tập hợp một danh sách những chủ đề bạn muốn tập trung vào:
những câu hỏi khách hàng thường hỏi là gì
điểm đau của họ là gì
nỗi sợ hãi? hy vọng?
Lấy các nội dung bạn đã từng có trước đó và chuyển đổi thành video. Điều quan trọng là làm những gì bạn cảm thấy thoải mái và thử nghiệm các định dạng với các góc độ khác nhau để xem điều gì là phù hợp với bạn và khán giả.
Xu hướng 7: Paid membership với giá rẻ
Cuộc suy thoái kinh tế 2023 đã được dự đoán nhưng nó sẽ không tồi tệ như dự báo trước đó. Vì vậy, mọi người sẽ vẫn mở hầu bao và mua những mặt hàng với chi phí vừa phải nhưng vẫn mang lại cho họ niềm vui và giá trị.
Để có thêm nguồn thu nhập, hãy nghĩ ra những cách sáng tạo để tái sử dụng hoặc tạo các ưu đãi nhỏ mang lại giá trị cho khách hàng, chẳng hạn như paid membership (mình đã có nó từ 2020 mà nó thật sự vẫn rất hiệu quả cho tới thời điểm này).
Nội dung mới được ra mắt mỗi tháng, thu hút người đăng ký và đồng hành trong thời gian dài… bạn không chỉ có doanh thu mà còn có khả năng bán lên những khoá học hoặc chương trình cao cấp hơn.
Tuy nhiên, đừng ngại tiếp thị những sản phẩm có giá trị cao. 50% doanh thu năm 2023 của mình đến từ các sản phẩm có giá trị cao (từ 60 triệu trở lên).
Xu hướng 8: Cộng đồng là tương lai của tiếp thị kinh doanh
Mình đã ấp ủ việc nói và chia sẻ nhiều hơn về vai trò và tương lai ngày một quan trọng trong tiếp thị, kinh doanh của cộng đồng nhưng chỉ sau khi thực sự có trải nghiệm và tự tin vào những gì mình tạo ra với các cộng đồng mình kiến tạo trong năm 2022, mình mới thành lập Community Growth Lab. Một báo cáo từ 2021 về Ngành công nghiệp cộng đồng đã cho thấy năm 2022, 86% các nhà lãnh đạo nói cộng đồng rất quan trọng với sứ mệnh của họ và có tới 69% có kế hoạch tăng cường đầu tư vào quản lý cộng đồng cũng trong năm này.
Những nhà lãnh đạo các công ty công nghệ như Meetup, Product Hunt, Hopin… đã kết hợp với nhau và tuyên bố về phong trào “Community-led”. Họ mạnh dạn tuyên bố “Các công ty do cộng đồng lãnh đạo là tương lai. Chúng tôi tin rằng một cộng đồng thịnh vượng là tài sản quý giá nhất của công ty”.
Cộng đồng không phụ thuộc vào số lượng, mà là chất lượng, sự gắn kết, cảm giác thuộc về. Khi bạn có được những điều này trong cộng đồng của mình, con đường hợp tác, làm việc và xây dựng sự giàu có cũng suôn sẻ hơn. Một tương lai hợp tác và công bằng, đặc biệt là bền vững sẽ được mở ra.
Xu hướng 9: Trải nghiệm sự chuyển đổi chứ không phải chỉ là thông tin
Có một lý do vì sao các chương trình huấn luyện và đào tạo của mình dù có giá trị cao vẫn bán tốt, đó là vì mình không chỉ lao vào cung cấp thông tin.
Một trong những sai lầm phổ biến của những người làm đào tạo đó là nhồi nhét thông tin quá nhiều và tăng giá thay vì tập trung vào những khía cạnh quan trọng khác của người học. Phần lớn rào cản của người học không hẳn là ở việc họ thiếu thông tin. Mà là họ thiếu sự tổ chức, chọn lọc thông tin và sự hỗ trợ để tạo ra sự chuyển đổi thật sự.
Tất nhiên khách hàng vẫn cần thông tin, nhưng những gì họ thực sự theo đuổi là sự thay đổi.
Vì vậy, vào năm 2023, hãy tập trung vào việc giúp khách hàng đạt được điều gì đó thật sự. Với mình là:
trở thành fulltime freelance writer và có tối thiểu 1 - 3 khách hàng trả phí
trở thành solopreneur với thu nhập tối thiểu 40,000,000đ/tháng
tạo ảnh hưởng và xây dựng thương hiệu cá nhân cho người mới bắt đầu (Real You) để thấu hiểu bản thân và làm quen với việc bước ra để chia sẻ
tạo ảnh hưởng và định vị sự khác biệt nhờ chuyên môn (Visible You)
…
Hãy đưa vào những kinh nghiệm, trải nghiệm, kỹ thuật để sau các chương trình, khách hàng của bạn có thể thực hiện hành động nhất quán và vượt qua vạch đích. Một khi họ thành công, họ sẽ trở thành những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất và có khả năng mua bất kỳ thứ gì tiếp theo - kể cả các chương trình giá trị cao - và tiếp tục giới thiệu bạn cho những người khác.
Và đó là 10 xu hướng sẽ định nghĩa lại cách freelancer/solopreneur kinh doanh trực tuyến. Hãy cho mình biết bạn suy nghĩ thế nào về những xu hướng này hoặc chia sẻ thêm những xu hướng khác mà bạn biết nhé!