Sức mạnh của sự bắt chước
Nhưng bạn chủ động học hỏi bằng cách bắt chước hay đang bị ảnh hưởng bởi người khác khiến sao chép những hành vi không hiệu quả?
Người ta thường nói trẻ con học qua việc bắt chước. Một ví dụ điển hình là sự bắt chước khi trẻ bắt đầu học nói. Trẻ sẽ quan sát và bắt chước lại các âm thanh và cách phát âm của người lớn xung quanh. Quá trình học này cũng giúp trẻ phát triển các kỹ năng giao tiếp và tư duy ngôn ngữ cơ bản. Nếu trẻ ở trong môi trường giọng nói chuẩn, không ngọng, không pha tiếng địa phương thì không có gì để nói. Nhưng nếu trẻ bị ảnh hưởng bởi người phát âm lỗi, phát âm sai, nói từ không chính xác, trẻ sẽ bắt chước lại cách nói sai và tạo ra những sai lầm trong giao tiếp sau này. Bởi vậy mới có chuyện cười ra nước mắt là các gia đình thuê người giúp việc chăm con mà nói ngọng thì con cũng vô tình bị nói ngọng.
Nhưng bạn có biết rằng, không phải chỉ khi là trẻ con mà cả khi lớn lên, trưởng thành, chúng ta vẫn tiếp tục xu hướng bắt chước? Điểm mấu chốt ở đây là: chúng ta chủ động học hỏi bằng cách bắt chước hay chúng ta bị ảnh hưởng bởi người khác mà dẫn tới sao chép những hành vi không hiệu quả.
Trong bài viết này, Linh muốn chia sẻ với bạn về chủ đề học hỏi thông qua bắt chước ở góc độ khoa học và cùng xem là chúng ta có thể tận dụng kỹ năng học hỏi thông qua bắt chước như thế nào nhé!
Học hỏi thông qua bắt chước dưới góc nhìn khoa học
Nhà tâm lý học và cha đẻ của lý thuyết nhận thức Albert Bandura là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về sự bắt chước trong hành vi con người.
Trong nghiên cứu nổi tiếng của mình, Bandura đã sử dụng một đoạn phim ghi lại một đứa trẻ nhỏ xem một người lớn đánh nhau. Sau đó, đứa trẻ bắt chước lại hành động này và trở nên bạo lực hơn. Từ đó, ông đã đưa ra khái niệm "học tập qua bắt chước" (vicarious learning) để chỉ việc con người học hỏi thông qua quá trình quan sát, suy nghĩ và bắt chước những hành vi của người khác.
Các nghiên cứu của Bandura cũng đã chứng minh rằng, sự bắt chước không chỉ ảnh hưởng đến hành vi của con người mà còn ảnh hưởng đến tư duy và cảm xúc của họ. Ví dụ, khi xem một bộ phim kinh dị, chúng ta có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng mặc dù chúng ta biết rằng đó chỉ là giả tưởng. Sự bắt chước có thể ảnh hưởng đến cả động lực và hành động của chúng ta, đôi khi thậm chí là cả bản năng của con người.
Sự bắt chước cũng có thể là một công cụ hữu ích trong việc học hỏi. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ việc quan sát và bắt chước những người thành công trong lĩnh vực của mình. Ví dụ, một nhân viên mới có thể học hỏi kỹ năng làm việc hiệu quả từ đồng nghiệp kinh nghiệm hơn hoặc một vận động viên trẻ có thể học hỏi từ người đàn anh thành công.
Christoph Wulf - một giáo sư về văn hóa và triết học ở Đại học Berlin, Đức còn cho rằng bắt chước không chỉ là một cơ chế học hỏi và phát triển cá nhân, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một xã hội. Chúng ta bắt chước những hành vi và giá trị của những người xung quanh để hòa nhập vào xã hội và tạo ra một nền văn hóa chung.
Bắt chước là công cụ đắc lực trong việc học hỏi
Bắt chước từ “nguồn” nào là điều quan trọng nếu muốn tận dụng kỹ năng này. Nguồn phải đáng tin cậy và đúng đắn thì mới mang lại kết quả khi bạn bắt chước. Với mình, mình học được rất nhiều khi bắt chước:
Từ người có kỹ năng giỏi: đặc biệt là các kỹ năng mình đang thiếu trong quá trình làm solopreneur. Mình không biết thiết kế hay chỉnh sửa video thì mình tham gia lớp học về thiết kế với giáo viên có kỹ năng giỏi để bắt chước và học hỏi từ họ.
Từ môi trường mình làm việc: mình may mắn vì từng được làm việc với những người sếp rất giỏi quản lý và sử dụng thời gian, cộng thêm việc được tiếp xúc với rất nhiều người giỏi (trong quá trình viết chấp bút cho họ) nên mình học được cách họ lên lịch làm việc và học hỏi tư duy của họ rất nhiều.
Từ các tác phẩm nghệ thuật hoặc sản phẩm văn hóa có giá trị: khi muốn viết tốt hơn, mình đọc rất nhiều tản văn của Thạch Lam, Nguyễn Tuân hay các cuốn sách của những cây viết kỳ cựu và chép lại những đoạn mình tâm đắc. Hay là muốn sáng tạo, mình cũng hay quan sát, bắt chước những cách thức của những người đi trước trong ngành để phát triển thêm kỹ năng cho mình.
Từ những người thành công: những solopreneur, freelancer thành công trên thế giới không hề ít, việc quan sát và nghiên cứu cách họ hoạt động, chiến lược của họ, mô hình kinh doanh, nội dung tiếp thị và những thông điệp của họ… giúp mình có thể đưa ra những quyết định tốt hơn cho business của mình.
Từ chính những học viên và khách hàng của mình: khi những nhu cầu, ý kiến và phản hồi của họ giúp mình phát triển sản phẩm dịch vụ tốt hơn rất nhiều. Chính từ những gì được đánh giá cao, được yêu thích mà mình có cơ sở để nâng cao chất lượng và cải thiện hơn nữa sản phẩm của mình, thậm chí từ một sản phẩm thành công có thể tiếp tục sao chép quy trình và cách thức để tạo ra nhiều sản phẩm cũng thành công sau đó.
Vậy khi nào thì sự bắt chước trở nên tiêu cực?
Cũng theo nhà tâm lý học Albert Bandura, ông đưa ra khái niệm "hiệu ứng bắt chước tiêu cực" để chỉ ra rằng sự bắt chước có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực và độc hại.
Ví dụ, khi trẻ nhỏ bắt chước hành vi phạm pháp hoặc bạo lực của người lớn xung quanh, nó có thể dẫn đến hành vi tiêu cực và độc hại của trẻ khi trưởng thành. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự bắt chước hành vi thể hiện trong phim ảnh và truyền hình có thể dẫn đến hành vi bạo lực và độc hại ở trẻ em.
Ngoài ra, sự bắt chước cũng có thể dẫn đến việc lặp lại các mô hình tiêu cực của các nhóm xã hội như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, sự kỳ thị tôn giáo và cách cư xử độc hại khác. Chúng ta cần nhận ra rằng sự bắt chước không chỉ là một cơ chế học hỏi và phát triển, mà nó còn là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành những giá trị và hành vi xã hội.
Ở khía cạnh kinh doanh, đôi khi sự bắt chước cũng giáng những đòn phản công rất mạnh nếu không làm nó một cách tinh tế và có chừng mực. Chẳng hạn như:
Bạn sao chép mô hình kinh doanh mà không hề có sự phát triển hay sáng tạo thêm: bạn có thể tạo ra lợi nhuận trong thời gian đầu nhưng nó vẫn chỉ là mô hình của người khác chứ không phải của bạn. Bạn thấy người ta kinh doanh tốt là “bê” nguyên những gì họ làm về và chờ “ăn sẵn”.
Bạn bắt chước các chiến thuật cạnh tranh nhưng có tính tiêu cực: chẳng hạn như giảm giá quá mức khiến phá giá và gây ra sự mất cân bằng tài chính cũng như giảm giá trị của sản phẩm.
Học hỏi thông qua bắt chước sẽ hiệu quả khi nào?
Khi bạn có thể tận dụng tối đa việc bắt chước nhưng vẫn chủ động tránh được những cạm bẫy tiềm ẩn của nó. Làm đúng, học thông qua bắt chước có thể tạo ra tác động tuyệt vời giúp tăng kỹ năng, năng suất và hiệu suất trong công việc.
Có 5 trụ cột để bạn phải dựa vào khi muốn sử dụng bắt chước để học hỏi, đó là:
Quan sát: là khi bạn xem xét các hành vi hay mô hình của người khác, sau đó đưa ra đánh giá nó sẽ có ích như thế nào trong việc học hỏi và nâng cao kỹ năng của mình.
Tập trung: khi đã quan sát và muốn bắt chước, bạn phải tập trung vào người hoặc hành vi mà bạn đã chọn. Sự tập trung này giúp bạn nắm bắt được các chi tiết và mô hình, quy trình một cách cụ thể và hiệu quả nhất.
Ghi nhớ: đã quan sát, đã tập trung rồi thì cần ghi nhớ những gì bạn muốn bắt chước và cách ghi nhớ tốt nhất đó là phải thực hành, lặp đi lặp lại những gì bạn đã học.
Cơ hội thực hành: hành vi hoặc kỹ năng mới sẽ không thể mài giũa hoặc làm chủ nếu như bạn không thực hành, bởi khi thực hành những gì bạn đã quan sát và bắt chước, bạn trải qua quá trình kiểm tra và tự sửa đổi từ đó nâng cao chất lượng và độ chính xác, đồng thời khiến bạn tự tin hơn trong việc làm chủ những kỹ năng hay hành vi bạn đã học hỏi.
Khả năng cải tiến: sau khi đã thực hành rồi, bạn cần tiếp tục đưa thêm những giả lập và phát triển việc thực hành để cải tiến hay tái tạo, biến những gì ta từng bắt chước thành thứ của riêng mình.
Hãy lấy một ví dụ thực tế cho bạn dễ hiểu. Bạn đang là một solopreneur trong lĩnh vực về sáng tạo nội dung liên quan tới làm đẹp và đây là những gì bạn có thể bắt chước từ một solopreneur đã thành công trong lĩnh vực này:
Bạn tìm kiếm và thấy X là người đã thành công trong lĩnh vực, bạn bắt đầu quan sát và ghi chép tất cả các kênh và ý tưởng nội dung mà bạn ghi nhận được từ X
Sau khi quan sát và ghi chép trong 2 tuần, bạn nhận ra một quy trình mà X đã áp dụng đó là sản xuất nội dung 1 video dài 30 phút/tuần, sau đó từ video dài X cắt nhỏ thành các dạng bài post ngắn trên mạng xã hội, reels.
Sau một tháng, bạn quyết định sẽ bắt tay vào thử bắt chước cách triển khai và tần suất nội dung mà X đã làm.
Bạn lên kế hoạch và thực hành trong 3 tháng, có những trải nghiệm thực tế về quy trình và khả năng thực hiện nội dung của bạn. Tuy nhiên bạn nhận ra những nội dung mình viết chưa được sâu và có sức hấp dẫn như X, đồng thời mỗi lần quay dựng video rất mất thời gian do bạn nói vấp nhiều và mới chỉ chỉnh sửa video ở mức cơ bản.
Bạn tìm đọc 05 đầu sách về chủ đề đồng thời liên tục trò chuyện với các độc giả để nghe phản hồi của họ, bạn bắt đầu chọn được các chủ đề sắc nét hơn và cách truyền tải nội dung nhuần nhuyễn hơn do kỹ năng nói và trình bày trước camera của bạn đã tốt hơn. Tuy nhiên, bạn không làm các video dài tới 30 phút mà tập trung vào những nội dung ngắn gọn hơn, tiết kiệm thời gian chỉnh sửa và khiến bạn tự tin hơn khi nói thay vì nói quá dài.
Sự bắt chước cho phép chúng ta học hỏi từ người khác và phát triển các kỹ năng và hành vi của mình. Tuy nhiên, học hỏi thông qua bắt chước cũng cần được kết hợp với việc phát triển kiến thức và hiểu biết cá nhân. Ta cần trí tuệ và năng lực của riêng mình để đánh giá, áp dụng và cải tiến những gì đã học.
Để gặt hái những lợi ích của việc học bắt chước, bạn phải nhận thức được rằng không phải tất cả các hình thức bắt chước đều có lợi và bắt chước quá mức có thể gây bất lợi cho sự tiến bộ. Bắt chước ai đó một cách mù quáng không giúp bạn có lợi ích bền lâu. Khi tập trung hoàn toàn sự chú ý và giữ cho mình tinh thần cải tiến, bạn sẽ biết quyết định đầu tư thời gian của mình để bắt chước có giá trị hay không.
Đôi khi sự quan sát và khám phá ra những hành động rất đơn giản của người khác lại trở thành nhiên liệu tích cực cho sự phát triển bản thân. Nó cho phép bạn kết hợp sự quan sát và thực hành để tạo ra sự phát triển và thay đổi.
Bạn có đang học hỏi thông qua sự bắt chước không? Hãy chia sẻ hành trình của bạn với Linh nhé!
Đang theo dõi cô tác giả sát sao, và đã vẽ được mô hình :D
Đọc bài này xong e lại nhớ tới kỹ thuật copyworking trong viết và bài viết hơn 300 lượt like của em kể về vc học tiếng Pháp :)). Như em là một người mới hoàn toàn trong mảng sáng tạo nội dung, kinh doanh, marketing nên chặng đường solopreneur chủ yếu là bắt chước người khác một cách linh hoạt, quan sát, làm thử, sai làm lại, điều chỉnh, cải tiến để chọn cách thức phù hợp với mình. Nói chung, bắt chước cái j cũng cần biến nó thành của riêng mình vì chặng đường mình đi ko giống ai cả. Cho đến giờ, người em bắt chước nhiều nhất là Linh Phan, ahihi