Xây dựng sự nghiệp 2024-2025: Nghệ thuật của sự linh hoạt và thử nghiệm
An toàn chỉ là ảo tưởng. Bằng cấp không định nghĩa bạn. Hành động của bạn mới làm điều đó!
“Làm sao để tôi có thể theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và không bị thay thế bởi AI?"
"Tôi nên tập trung vào một sự nghiệp ổn định hay thử sức với nhiều vai trò khác nhau trong thời đại này?"
"Làm thế nào để tôi có thể xây dựng một sự nghiệp vừa đảm bảo an toàn tài chính, vừa theo đuổi đam mê của mình?"
Những câu hỏi này, mình nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Và giờ đây, khi chúng ta bước vào cuối năm 2024, những câu hỏi này còn trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà AI và tự động hóa đang thay đổi bản chất của công việc hàng ngày. Nhiều công việc truyền thống đang dần biến mất, trong khi những vị trí mới - đòi hỏi sự kết hợp tinh tế giữa kỹ năng con người và máy móc - lại đang mọc lên như nấm sau mưa.
Xu hướng làm việc từ xa giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa làm việc toàn cầu. Điều này mở ra cả cơ hội lẫn thách thức: bạn có thể làm việc cho bất kỳ ai trên thế giới, nhưng đồng nghĩa với việc bạn cũng đang cạnh tranh với talent pool toàn cầu.
Trong bối cảnh này, bản chất vấn đề không nằm ở sự lựa chọn, mà là do chúng ta có xu hướng cho rằng chúng ta mở ra càng nhiều cánh cửa và giữ nó mở càng lâu càng tốt. Giống như việc bạn dành cả đời để lo đổ đầy bình xăng, nhưng không bao giờ thực sự lái xe!
Tích lũy các lựa chọn có thể mang tới cho bạn cảm giác an tâm nhưng nó mong manh lắm. Bạn nghĩ mình không đủ giỏi nên phải đi học hết thứ này đến thứ khác, lấy hết bằng này tới bằng kia mà quên đi rằng: lựa chọn tốt nhất trên đời này liên quan tới việc chọn 1 thứ, thử nghiệm và mày mò, tìm tòi nó. Có thể nó mang tới cảm giác rủi ro, không rõ ràng trong ngắn hạn nhưng nó là cách DUY NHẤT để bạn có thể phát triển và vượt qua sự không chắc chắn.
Chọn một con đường an toàn (như bạn nghĩ) liệu có còn thực tế nữa không?
Chúng ta đã quen với kiểu tư duy giáo dục truyền thống của phương Đông, tập trung rất nhiều và thiên lệch về mặt lý thuyết, bằng cấp mà coi nhẹ tính thực hành, trải nghiệm thực tế và sự sáng tạo trong quá trình thực hành đó. Mọi người nghĩ rằng mình đi theo con đường an toàn hơn thì những nhược điểm, điểm yếu của bản thân sẽ được hạn chế. Nhưng chính vì lựa chọn con đường an toàn, bạn sẽ không bao giờ nhận ra thực sự LỢI THẾ của mình là gì. Ngay cả những người hiểu được điều này về mặt lý trí, nhưng họ vẫn thích những con đường an toàn và phổ biến hơn.
Và không có gì lạ khi nếu bạn đi theo con đường an toàn truyền thống, kết quả gần như có thể dự đoán được. Chính bỏi cái cảm giác dự đoán được kết quả, con người mới có xu hướng chọn lựa nó nhiều hơn. Nó tạo thành chiếc vòng luẩn quẩn mà những người muốn phát triển không thoát ra sẽ không bao giờ có thể tiến lên.
Trong thực tế, đường cong cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta là phi tuyến tính. Hãy nhìn vào biểu đồ Workline của Linh (Đây là bài tập mình và các bạn trong các lớp Xây dựng thương hiệu của
bắt buộc phải thực hiện).Các bạn thấy không, con đường dù là công việc hay cuộc sống của bất kỳ ai đều không có ai chỉ là một đường thẳng đi lên thậm chí đi ngang, sẽ có lên xuống, sẽ có những giai đoạn không chắc chắn và phức tạp, thử thách. Mỗi ngày mở mắt ra, chúng ta đều có thể phải đối mặt với những thử thách khó đoán và những sự kiện ngẫu nhiên bất ngờ. Mất việc hay có việc, phá sản hay đại thắng doanh thu… mọi nỗi đau và lợi ích đều xảy ra theo những cách không ai ngờ được.
Vậy thì liệu ý tưởng về việc chọn một con đường an toàn (như bạn nghĩ) liệu có thực tế nữa không?
Mình nghĩ là không.
Thay vì nghĩ rằng tôi phải chọn một con đường an toàn, hãy học cách thiết kế cuộc sống và hành trình của mình sao cho có thể hòa hợp với bản chất ngẫu nhiên và bất ngờ của thực tế. Bằng cách đó, bạn dễ chấp nhận hơn và có thể nhanh chóng vượt qua nỗi đau của mình dễ dàng hơn. Mình đã từng viết "Nếu bạn rơi xuống một cái hố, việc đầu tiên là ngừng đào". Nếu bạn đã có sự chuẩn bị và thiết kế cuộc đời của mình sẵn sàng cho những chiếc hố, bạn thậm chí còn thấy cuộc đời thú vị và đáng sống hơn bao giờ hết. Chỉ khi chúng ta rơi xuống, dẫu có nhiều đau đớn nhưng sau đó chúng ta mới bắt đầu đi lên, thoát khỏi miệng hố và thậm chí còn leo được lên cao hơn nữa.
Quá trình lên được tới miệng hố trở đi chính là lúc hiệu suất được hình thành, đường cong sẽ tịnh tiến đi kèm với những lợi ích quan trọng do bạn đã dám thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và tự tạo ra cho mình nhiều cơ hội hơn trong khi giới hạn những nhược điểm tiềm ẩn.
Mọi thứ trên đời này có lẽ sẽ đều hoạt động một cách tự nhiên như vậy: tìm ra nguyên nhân kết quả, mày mò, thử và sai, chứng mình thứ gì là vượt trội hơn, hiệu quả hơn và từ đó cải tiến, phát triển.
Chúng ta nghĩ rằng việc đạt được một mục tiêu, gặt hái được một thành tựu, tốt nghiệp được một bằng cấp là kết quả thành công. Nhưng thành công là một quá trình, chúng ta có lựa chọn, thử nó và tạo ra kết quả nhưng đồng thời cũng không thể ở lại mãi với kết quả đó mà sẽ cần phải tiếp tục cải tiến, chọn lọc, tạo ra những kết quả khác đi.
Khi chúng ta thử nghiệm và sai sót, đó cũng là một loại lợi ích. Nhưng vì con người có xu hướng ghét bỏ sự không chắc chắn, chúng ta cũng đồng thời bỏ qua những lợi ích. Lợi ích đôi khi không phải là thứ chúng ta kỳ vọng, ví dụ như bạn nghĩ rằng làm việc 1:1 với Linh để có thu nhập 100,000,000đ/tháng từ sự nghiệp solo nhưng thực sự bạn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về tư duy, sự tự cải thiện và phát triển bản thân mình trong quá trình học và thực hành, hơn chỉ là những công cụ và kiến thức mà ban đầu bạn tìm kiếm.
Bởi vậy, ở góc nhìn của mình thì:
Sự không chắc chắn cũng là một lợi ích, bởi nó sẽ đòi hỏi bạn phải trải nghiệm và thử nghiệm nhiều hơn, mang tới những phần thưởng lớn hơn ngoài sức tưởng tượng.
Sự tích lũy và lựa chọn thông minh là như thế nào?
Con đường được định nghĩa là "an toàn" của các bạn được vẽ ra thế nào? Có phải là học thật giỏi, lấy bằng đại học rồi sau đó là làm một công ty tốt và thăng tiến?
Đó là bức tranh an toàn mà mình tin 10 bạn thì 9 bạn trong thế hệ của mình sẽ được vạch sẵn ra như vậy. Nhưng mấy ai đi đúng được như lộ trình đã vạch sẵn?
Đồng ý là tích lũy những kỹ năng phổ biến mà người ta nói ra rả khắp nơi có thể mang tới hi vọng chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, nhưng vấn đề là: chúng ta không biết những gì chúng ta không biết.
Chúng ta không thể đoán đúng chính xác kỹ năng nào sẽ hữu ích trong tương lai, những sự kiện ngẫu nhiên nào dù là tích cực hay tiêu cực sẽ được bày ra cho cuộc đời mình.
Trong một cuộc sống phức tạp với rất nhiều các mối quan hệ, liên kết cũng như khả năng dự đoán nguyên nhân kết quả có hạn thì tốt hơn hết là nên thử và sai. Mày mò rồi thử nghiệm là sự đầu tư thời gian hiệu quả hơn so với việc đi theo một con đường giả định là an toàn và thậm chí còn không phù hợp với những giá trị nội tại, những kỹ năng thật sự của bạn, đồng thời cũng đi ngược lại với quy luật phi tuyến tính của đường cong cuộc sống.
Và đây là lúc mình muốn nói với các bạn về một xu hướng mới trong thị trường lao động 2025: "Portfolio Career" hay "Danh mục sự nghiệp". Thay vì gắn bó với một công việc duy nhất, ngày càng nhiều người chọn cách xây dựng sự nghiệp đa dạng, bao gồm nhiều vai trò, dự án hoặc kỹ năng khác nhau.
Ví dụ, một người có thể vừa là nhà tư vấn độc lập, vừa là giảng viên online, đồng thời tham gia vào các dự án ngắn hạn cho nhiều công ty khác nhau. Mô hình này cho phép cá nhân đa dạng hóa nguồn thu nhập, giảm thiểu rủi ro và liên tục học hỏi từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghe có vẻ hấp dẫn phải không? Nhưng đừng vội, "Portfolio Career" cũng đòi hỏi kỹ năng quản lý thời gian, tổ chức công việc và xây dựng thương hiệu cá nhân mạnh mẽ đấy.
Linh sẽ có một bài viết hướng dẫn rất chi tiết về chủ đề này cho bản ở các bản tin sắp tới. Nhưng đừng bỏ lỡ Chuỗi Meetup & Premium Talk mà Linh sẽ tổ chức với chủ đề “Better Self” 2025 nhé!
Tất nhiên thử nghiệm không có nghĩa là thử nhanh một cái gì đó và từ bỏ nó nếu bạn không thấy kết quả ngay lập tức. Giống như viết lách mình đã phải đi lòng vòng 10 năm, thậm chí 20 năm, để chắc chắn thứ mình muốn viết và thực sự viết tốt đó là gì - sau khi thử vài ba chủ để và lĩnh vực khác nhau. Quá trình này giống như việc thực hành có chủ đích, nó có thể mất nhiều năm để bạn thử, mò mẫm và chiêm nghiệm. Không có con số thống kê, nhưng mình nghĩ một người thử lần thứ 6 thứ 7 mới thành công hoặc đến đích là điều bình thường, và nên như vậy.
Vậy nên, nhiều người nói rằng họ không có lựa chọn nào khác, thật ra là đang nói dối với chính mình. Vì cuộc đời là công bằng nên lựa chọn có thể được rải đều như nhau, nhưng những người thật sự nắm bắt được cơ hội và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho họ thì là bởi họ đã thực sự hành động khác đi, chứ không phải vì họ may mắn.
Đó là vì họ đã dám nhận một công việc hoàn toàn mới, chưa từng thử. Giống như mình đã từng đi làm công việc trét bơ vào bánh mì trong gần 01 năm, đứng từ 9h sáng tới 5h chiều.
Đó là vì họ đã dám thử làm những điều chưa ai thử, chưa được chứng minh. Giống như mình đã thử làm bản tin chuyên sâu và bán được các bản tin để mang về $2000/tháng. Trước khi làm, rất nhiều người không tin vào việc mình có thể bán được nó. Nhưng mình đã không chỉ bán được, mà còn dạy lại cách làm và từ đó mang về rất nhiều lợi ích về sự ảnh hưởng và vật chất khác.
Đó là vì họ đã dám đầu tư vào một kỹ năng mới. Giống như mình quyết định bỏ ra $20,000 để học coaching từ năm 2018 và chọn học một trong những người thầy cũng là người public speaker nổi tiếng thế giới. Tại thời điểm đó, gõ từ khóa "coaching" ở Nam không ra mấy kết quả. Sau đó, nó đã trở thành kỹ năng tuyệt vời thay đổi bản thân và tăng giá trị vượt trội cho các chương trình đào tạo hay kèm cặp của mình.
Đó là giải quyết một vấn đề khó khăn mà còn ít người quan tâm. Giống như mình dạy freelance business tại thời điểm năm 2020 hay solopreneur năm 2022, để giúp các bạn freelancer và solopreneur vượt qua những thách thức của họ. Sau đó rất nhiều những chương trình và khóa học tương tự ra đời nhưng mình biết, mình không cần phải cạnh tranh ngược lại với họ mà chỉ cần tập trung vào con đường của riêng mình.
Đó cũng có thể là học một ngôn ngữ không phổ biến, hiểu một nền văn hóa, đào sâu vào một tôn giáo…
Dù đó là gì, hãy thực hiện tất cả những bài kiểm tra, thí nghiệm của bạn một cách nghiêm túc, tập trung và nỗ lực hết mình.
Hãy đi hết một vòng chu kỳ trải nghiệm một cách đầy đủ, trước khi bạn quyết định mình có muốn tiếp tục đi theo con đường này hay là muốn khám phá một con đường khác.
Lựa chọn con đường nào hoàn toàn nằm trong tay bạn. Nếu theo dõi mình trên facebook cá nhân, chắc bạn sẽ nhớ mình từng nói, nếu chúng ta còn may mắn sống tới 90 tuổi, thì chí ít ở độ tuổi hiện tại (36), mình vẫn còn 8 lần được làm lại từ đầu (chúng ta mất 7-10 năm để thực sự làm chủ được thứ gì đó).
Cưỡng cầu hay đốt cháy giai đoạn có thể làm bạn kiệt sức. Nhưng bình yên quá có thể cũng vắt kiệt năng lượng của bạn theo một cách khác.
Và đây là điều cuối cùng mình muốn nhấn mạnh: trong quá trình phát triển sự nghiệp và đối mặt với những thách thức của thị trường lao động hiện đại, việc duy trì sức khỏe tinh thần trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Stress, burnout và các vấn đề sức khỏe tinh thần khác đang trở thành mối quan tâm lớn trong môi trường làm việc ngày nay. Sự thành công trong sự nghiệp không chỉ đo bằng thành tích hay thu nhập, mà còn bởi sự hài lòng và cân bằng trong cuộc sống.
Tốt nhất là, hãy chọn, rồi thử nghiệm.
Đừng nghĩ rằng bạn phải dành cả đời để xây một tòa tháp. Bạn có thể dành cả đời để xây những gì bạn muốn, không phải chỉ tòa tháp mà có thể là cả công viên, vườn hoa, một vương quốc của riêng mình. Bạn có thể dành cuộc đời mình để làm công việc tư vấn chiến lược kinh doanh, một cuộc đời khác để viết lách, trở thành tác giả và một cuộc đời khác để giúp đỡ những người mà bạn muốn giúp đỡ (ví dụ như mình muốn giúp những người phụ nữ).
Linh tin mình đang sống nhiều cuộc đời. Mỗi lựa chọn và mỗi người Linh gặp trong những cuộc đời đó đều là một cơ hội để học hỏi và phát triển.
Cũng đừng sống như Linh.
Hãy sống với cuộc đời và sự lựa chọn của riêng bạn! Miễn sao sau này không hối hận vì đã không bắt đầu là được.
Yêu thương xoxo,
Đọc xong bài viết này, Lộc mới biết là chị Linh cùng tuổi.
Thực sự thì chị Linh đã đi con đường của sự tự do và đang dẫn dắt rất nhiều solo expert đi trên con đường của chính họ.
Không ai biết trước tương lai phía trước và dường như đều đi trong sự dò dẫm giống như trong một đường hầm dài với một chiếc đèn nhỏ.
Để đi con đường này, cần thiết có tấm lòng dũng khí và sự dạn dĩ. Có câu nói rằng: Sự dạn dĩ dẫn tới sự thịnh vượng.
Em cảm ơn c với bài viết truyền cảm hứng này ạ. Workline kia cũng là bài tập em làm để chọn ngách đó ah :)