Cuộc vật lộn của “Phải” và “Nên”
Những kỳ vọng vô hình trên hành trình solo nhưng lại có sức nặng đáng kể.
Chào bạn,
Chúng ta lại gặp nhau trong bản tin miễn phí tuần này.
Khi bước chân vào con đường solopreneur, hầu hết chúng ta đều mang theo mình một danh sách rất dài và đầy rẫy những quy tắc “phải” và “nên”. Chúng là những kỳ vọng vô hình nhưng lại có sức nặng đáng kể. Bạn có thể đã từng nghĩ:
“Mình phải có một kế hoạch kinh doanh chi tiết mới bắt đầu được.”
“Mình nên làm việc không ngừng để đạt thành công nhanh chóng.”
Nghe có vẻ hợp lý, nhưng chính những kỳ vọng này thường khiến bạn bị mắc kẹt trong vòng xoáy của áp lực và cảm giác không đủ tốt.
Khoa học tâm lý đã chỉ ra rằng những suy nghĩ dạng “phải” và “nên” thường bắt nguồn từ niềm tin tuyệt đối hóa – những quy tắc cứng nhắc mà chúng ta xây dựng dựa trên trải nghiệm cá nhân hoặc tác động xã hội. Theo lý thuyết của Albert Ellis, chính sự cứng nhắc này làm tăng khả năng lo âu, căng thẳng và thậm chí trầm cảm, vì chúng tạo ra khoảng cách giữa thực tế và kỳ vọng.
Khi mới bắt đầu hành trình làm solopreneur, mình đã gánh trên vai vô số những "nên":
"Mình nên có một website hoàn hảo trước khi bắt đầu."
"Mình nên biết hết mọi kỹ năng marketing."
"Mình nên có khách hàng ngay trong tháng đầu tiên."
Và còn nhiều thứ "nên" khác nữa. Những suy nghĩ này như những viên đá vô hình, khiến mỗi bước đi trên con đường tự lập trở nên nặng nề hơn.
Nhưng rồi, một sự kiện xảy ra đã thay đổi cách mình nhìn nhận mọi thứ. Đó là vào một buổi chiều đông, khi mình ngồi trong quán cà phê quen thuộc, bên cạnh là laptop và cuốn sổ tay đã đầy ắp những kế hoạch. Người bạn cũ của mình tới và tặng mình một cuốn sách với tựa đề: "Dám Sống Khác" (The Courage to be Disliked).
Trong lúc mình đang hoang mang với lựa chọn nghỉ việc và chưa biết bắt đầu thế nào, bạn nói với mình “Cậu biết không, tớ từng nghĩ mình nên ở lại với công việc cũ vì sự ổn định, nhưng tớ nhận ra, đó chỉ là tớ đang sống với kỳ vọng của người khác. Cho tới khi tới quyết định học ngành mới và theo đuổi điều tới muốn, bỏ đi những điều tớ cứ nghĩ là “nên” làm, tớ mới bắt đầu thực sự thấy là tớ đang sống cuộc đời của mình”.
Thông điệp của bạn mình ngày hôm đó, cho tới tận bây giờ, vẫn là điều mình luôn suy ngẫm. Phải chăng, chính những điều "nên" mình tự đặt ra đang kìm hãm bản thân? Và liệu mình có đang sống trong một vũ trụ song song – nơi mọi thứ hoàn hảo như mình mong đợi – hay không?
Bài học ngày hôm nay sẽ cung cấp cho bạn không chỉ cái nhìn khoa học, mà còn những hướng dẫn thực tế để giúp bạn sống và làm việc nhẹ nhàng hơn trên hành trình kinh doanh độc lập của mình.
Tại sao những điều “Phải” và “Nên” lại khiến chúng ta đau khổ - từ góc nhìn khoa học?
Từ góc độ tâm lý học, “phải” và “nên” bắt nguồn từ các kỳ vọng xã hội và cá nhân được hình thành từ rất sớm. Theo lý thuyết nhận thức của Albert Ellis – một nhà tâm lý học tiên phong trong liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), chúng ta thường phát triển những niềm tin phi lý, hay còn gọi là niềm tin tuyệt đối hóa (irrational beliefs), về cách bản thân, người khác và thế giới “nên” hoạt động.
Ellis phân tích rằng những niềm tin như:
“Tôi phải làm mọi thứ hoàn hảo.”
“Người khác nên đối xử công bằng với tôi.”
…thường dẫn đến các cảm xúc tiêu cực như lo âu, giận dữ, hoặc trầm cảm, vì chúng đặt ra các tiêu chuẩn không thực tế hoặc ngoài tầm kiểm soát.
Ellis đã phát triển Mô hình ABC để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách những “phải” và “nên” ảnh hưởng đến cảm xúc:
A (Activating Event): Sự kiện kích hoạt – Ví dụ: Dự án bạn đang làm gặp trục trặc.
B (Belief): Niềm tin – Bạn nghĩ “Mình phải làm hoàn hảo ngay từ đầu, nếu không khách hàng sẽ thất vọng.”
C (Consequence): Hệ quả – Bạn cảm thấy lo lắng, tự trách mình.
Điều Ellis nhấn mạnh là cảm xúc tiêu cực không đến từ sự kiện (A), mà từ niềm tin phi lý (B).
Bằng cách thay đổi niềm tin cứng nhắc thành niềm tin linh hoạt, như:
“Mình mong muốn làm tốt, nhưng không nhất thiết phải hoàn hảo ngay lập tức,”bạn có thể giảm bớt áp lực và cảm xúc tiêu cực (C).
Ngoài CBT, tâm lý học hiện đại còn có Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT), nhấn mạnh rằng sự cứng nhắc trong suy nghĩ – đặc biệt là những kỳ vọng "phải" và "nên" – làm gia tăng khổ đau tâm lý.
Theo ACT, việc dính mắc vào các quy tắc cứng nhắc khiến bạn:
Giảm khả năng linh hoạt trong hành động, khó thích ứng với thay đổi.
Tránh né cảm xúc tiêu cực, thay vì học cách chấp nhận và đồng hành cùng chúng.
Giáo sư Steven C. Hayes, cha đẻ của ACT, khuyến khích việc thay đổi cách diễn đạt từ "phải" thành "mình muốn" hoặc "mình chọn" để mang lại cảm giác chủ động và tự do hơn.
Lợi ích tâm lý của việc buông bỏ những điều “phải” và “nên”
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng:
Buông bỏ những quy tắc cứng nhắc giúp tăng cường khả năng đối mặt với thất bại và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Lòng tự thương cảm (self-compassion) – tức là đối xử với bản thân như cách bạn đối xử với một người bạn thân – giúp giảm bớt áp lực từ những kỳ vọng không thực tế.
Ví dụ, trong nghiên cứu của Tiến sĩ Kristin Neff, những người thực hành lòng tự thương cảm báo cáo mức độ hạnh phúc và sự hài lòng cao hơn, ngay cả khi họ không đạt được tất cả mục tiêu mà họ "nghĩ mình nên" đạt được.
Áp dụng vào hành trình làm solopreneur của bạn
Khi bạn bước vào hành trình kinh doanh solo, hãy nhớ rằng:
Không có một khuôn mẫu cố định nào về cách bạn "nên" làm.
Những thất bại hay sai lầm không phải là dấu hiệu của thất bại cá nhân, mà là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi và phát triển.
Hãy thử thách bản thân mỗi ngày bằng cách đặt câu hỏi:
“Mình đang làm việc này vì thật sự muốn, hay vì mình nghĩ mình phải làm?”
“Liệu có cách nào nhẹ nhàng hơn để đạt được điều mình muốn không?”
Với mỗi câu trả lời, bạn sẽ dần xây dựng một tinh thần linh hoạt và tự do, sẵn sàng đón nhận mọi trải nghiệm – cả thành công lẫn khó khăn – như một phần không thể thiếu của hành trình phát triển.
Bạn có sẵn sàng thử buông bỏ những điều "phải" để bắt đầu sống thật với chính mình chưa?
Chúng ta, những solopreneur, thường dễ mắc kẹt trong vòng lặp của những điều "nên". Nhưng chính những câu chuyện đời thực, như câu chuyện của chị trong quán cà phê, hay câu chuyện của những người xung quanh, mới giúp chúng ta nhận ra: hành trình này không phải để sống theo những khuôn mẫu cứng nhắc, mà để khám phá bản thân và chấp nhận sự không hoàn hảo.
Một người bạn của mình, cũng là một solo expert trong lĩnh vực viết lách, từng chia sẻ rằng anh đã tốn hơn một năm để hoàn thiện website cá nhân. Anh nghĩ mình nên có giao diện hoàn mỹ và nội dung hoàn hảo trước khi chính thức ra mắt. Nhưng khi anh cuối cùng cũng mở website, anh nhận ra rằng khách hàng của mình không quá quan tâm đến sự "hoàn hảo" ấy. Thay vào đó, họ quan tâm đến giá trị thực mà anh mang lại.
Cũng như việc nuôi dạy con nhỏ, kinh doanh solo là một hành trình đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc. Bạn có thể sẽ gặp những đêm dài không ngủ, những phút giây tự trách móc vì chưa làm đủ tốt, và cả những khoảnh khắc hạnh phúc tột cùng khi thấy thành quả đầu tiên.
Quan trọng là bạn cho phép mình được sống trọn vẹn với hành trình này – cả những niềm vui và nỗi thất vọng. Thay vì ép mình phải luôn "hạnh phúc" hay "hoàn hảo," hãy học cách đón nhận mọi trải nghiệm với một tâm thế cởi mở.
Thay vì nói: “Mình phải có mọi thứ hoàn hảo trước khi bắt đầu,” hãy thử chuyển thành: “Mình muốn tạo ra giá trị ngay từ những điều đơn giản nhất.”
Hạnh phúc không nằm ở đích đến, mà ở cách bạn bước đi trên hành trình ấy. Khi bạn cho phép bản thân buông bỏ những điều "nên" và sống thật với những gì mình muốn, đó cũng là lúc bạn thực sự bắt đầu sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Vậy còn bạn, bạn có đang sống trong những điều "nên" không? Và bạn sẵn sàng buông bỏ chúng như thế nào để tự do tiến bước trên hành trình của chính mình?
Hướng dẫn thực hành buông bỏ “phải” và “nên” cho solopreneur
Dưới đây là các bước thực hành chi tiết, dễ dàng áp dụng để solopreneur có thể buông bỏ những áp lực từ “phải” và “nên”, từ đó làm việc và sống tự do hơn.
Nhận diện những suy nghĩ “phải” và “nên”
Mục tiêu: Ý thức rõ hơn về các quy tắc cứng nhắc bạn đang tự đặt ra.
Hướng dẫn: Trong vòng 1 tuần, mỗi ngày bạn dành 5-10 phút để ghi lại tất cả những suy nghĩ hoặc câu nói có chứa từ “phải” hoặc “nên”. Ví dụ:
“Mình nên làm việc thêm giờ để dự án nhanh hoàn thành.”
“Mình phải có nhiều khách hàng hơn ngay tháng này.”
Mẹo: Đặt một tờ giấy hoặc mở ứng dụng ghi chú trên điện thoại để ghi lại ngay khi những suy nghĩ này xuất hiện.
2. Thách thức những suy nghĩ quen thuộc về “phải” và “nên”
Mục tiêu: Giảm sức mạnh của các “nên” bằng cách xem xét tính hợp lý của chúng.
Hướng dẫn: Mỗi khi nhận diện được một suy nghĩ “nên” hoặc “phải”, tự hỏi:
“Ai là người đưa ra quy tắc này? Liệu có bằng chứng nào cho thấy nó là cần thiết không?”
“Nếu không làm điều này, hậu quả thực sự sẽ nghiêm trọng đến mức nào?”
“Có cách nào khác linh hoạt hơn để đạt được mục tiêu không?”
Ví dụ:
Thay vì nghĩ: “Mình nên làm việc đến khuya mỗi ngày để thành công,” bạn có thể thách thức bằng câu hỏi: “Liệu mình có thể làm việc hiệu quả hơn bằng cách quản lý thời gian thay vì làm việc quá sức không?”
3. Thay đổi cách diễn đạt từ “Phải” thành “Muốn”
Mục tiêu: Tạo cảm giác tự do và chủ động trong hành động.
Hướng dẫn:
Khi phát hiện một suy nghĩ cứng nhắc, hãy thử thay đổi cách diễn đạt bằng cách thay từ “phải” hoặc “nên” thành “mình muốn” hoặc “mình chọn”.
Ví dụ:
Thay vì: “Mình nên có website hoàn hảo trước khi bắt đầu.”
Hãy thử: “Mình muốn có website đơn giản để bắt đầu nhanh chóng và cải thiện dần.”
Thay vì: “Mình phải hoàn thành công việc này ngay hôm nay.”
Hãy thử: “Mình chọn làm điều này vì nó giúp mình tiến gần hơn đến mục tiêu.”
4. Xây dựng hoặc tham gia và một cộng đồng hỗ trợ
Mục tiêu: Giảm cảm giác cô đơn và tăng động lực.
Hướng dẫn: Tìm hoặc tham gia một nhóm cộng đồng dành cho solopreneur. Bạn có thể:
Tham gia các nhóm Facebook hoặc diễn đàn trực tuyến dành cho người làm việc độc lập.
Kết nối với mentor hoặc coach để có người đồng hành.
Hoạt động gợi ý:
Mỗi tuần, chia sẻ với cộng đồng những “nên” bạn đã buông bỏ được và lắng nghe kinh nghiệm từ những người khác.
5. Đo lường sự tiến bộ mà không bị phụ thuộc vào “Nên”
Mục tiêu: Tập trung vào sự tiến bộ thực tế thay vì các kỳ vọng cứng nhắc.
Hướng dẫn: So sánh bản thân với chính mình trong quá khứ: Mỗi cuối tuần, ghi lại:
Điều bạn đã làm tốt hơn so với tuần trước.
Bài học rút ra từ những trải nghiệm chưa như ý.
Ví dụ:
Tuần trước bạn chỉ viết được một bài blog, tuần này bạn viết hai bài. Đó là một sự tiến bộ!
Tuần trước bạn thất bại trong một buổi pitching, nhưng đã học được cách thuyết phục khách hàng tốt hơn.
6. Thực hành lòng biết ơn và chiêm nghiệm
Mục tiêu: Giảm căng thẳng và tạo sự kết nối với hiện tại.
Hướng dẫn:
Viết nhật ký biết ơn: Mỗi ngày, dành 5 phút để ghi lại 3 điều nhỏ bé mà bạn cảm thấy biết ơn. Ví dụ:
“Biết ơn vì hôm nay mình đã có một cuộc trò chuyện thú vị với khách hàng.”
“Biết ơn vì mình có thời gian ngắn để đọc một cuốn sách hay.”
Thực hành chánh niệm: Bắt đầu bằng việc tập trung vào hơi thở trong 5 phút mỗi sáng hoặc tối. Điều này giúp bạn giảm bớt áp lực và cảm nhận rõ ràng hơn từng khoảnh khắc.
Chúc các bạn thành công nhé!
Cảm ơn bạn! Một bài viết rất có ý nghĩa với mình hiện tại!