

Discover more from Freelance to Freedom
Mối quan hệ của chúng ta với business
Và tại sao bạn lại cảm thấy nó chưa ổn?
Có một câu hỏi Linh thường hỏi khách hàng và các học viên của mình là “Vì sao bạn lại bắt đầu công việc solo này?”.
Câu trả lời mà mình thường nhận được là các bạn muốn có thu nhập tốt hơn và có sự tự chủ về tài chính. Tiền bạc đúng là một phần của business nhưng mình luôn muốn mọi người nhìn sâu hơn. Mình muốn các bạn tạo ra những cảm xúc có tính bền vững và học cách để yêu hoặc cảm thấy được yêu với chính những gì các bạn đang làm.
Có một lý do khác nữa, đó là vì họ muốn chứng minh điều gì đó với ai đó. Chẳng hạn như “Bố em nói em sẽ không bao giờ làm cái gì nên hồn nên em sẽ chứng minh cho ông ấy thấy là không phải như vậy”. Đôi khi họ trải qua những tổn thương về thể xác khi còn nhỏ và việc kiếm tiền không chỉ đồng nghĩa với sự độc lập mà còn là sự bảo vệ và an toản khỏi những tổn thương trong tương lai. Đây là một trong những lý do khiến mình thấy rất nhiều solopreneur không hài lòng kể cả khi họ đã đạt được những mục tiêu về kiếm tiền lẫn tự do hơn. Tất nhiên, thường là có những câu chuyện “đau thương” được ẩn rất sâu ở phía dưới.
Gần 5 năm trò chuyện và khai vấn về việc bắt đầu sự nghiệp hay kinh doanh độc lập, mình nhận ra 99% những khó khăn mà khách hàng gặp phải hiếm khi liên quan tới tiền bạc. Nguyên nhân sâu xa hơn thế. Tiền đại diện cho sự an toàn, an nhin, sự chấp nhận, bạn có thể gán cho nó nhiều vai trò. Nhiều người nghĩ nhu cầu tình cảm của họ sẽ được đáp ứng bằng tiền.
Điều quan trọng là xác định lý do tại sao bạn thực sự bắt đầu kinh doanh, dù là độc lập hay không độc lập. Biết được những gì đang ẩn ở bên trong sẽ giúp bạn hiểu rõ nhu cầu cảm xúc của mình. Nếu bạn thực sự bắt đầu công việc kinh doanh của mình để chống lại những người làm tổn thương bạn và cảm thấy mình có quyền lực, ban đầu bạn có thể cảm thấy dễ chịu nhưng bạn cũng sẽ không bao giờ đạt được sự giải tỏa về mặt cảm xúc mà bạn đang tìm kiếm.
Khi mình bắt đầu hỏi khách hàng hoặc học viên rằng họ hy vọng họ sẽ cảm thấy thế nào khi bắt đầu kinh doanh, câu trả lời phổ biến nhất thường không sâu sắc lắm “Em hi vọng việc làm chủ sẽ mang lại nhiều tự do hơn” hoặc “Chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cảm thấy thế nào về nó. Chị chỉ nghĩ về việc bán gì, khách hàng của mình là ai”.
Nhưng khi mình bắt đầu hỏi “Tại sao em bắt đầu kinh doanh” theo một cách khác sáng tạo hơn, mình đã có được câu trả lời sâu sắc hơn. Mình bắt đầu định hình lại các câu hỏi của mình theo cách này:
Khi bắt đầu kinh doanh, bạn muốn đạt được nhiều hơn điều gì hoặc cảm nhận được nhiều hơn về điều gì?
Một số nhu cầu sâu sắc hơn bên dưới mà bạn có thể đang cố gắng thỏa mãn bằng cách làm solopreneur là gì?
Bạn đã nói gì với bản thân về những thứ sẽ xảy ra? Bạn sẽ nhận được gì hoặc bạn sẽ chứng minh điều gì nếu công việc kinh doanh của mình thành công?
Bạn cảm thấy thế nào nếu làm việc thêm một giờ, bán được thêm một sản phẩm và đạt được những cột mốc đầu tiên? Bạn có thấy nhẹ nhõm không? Bạn có cảm thấy mình thành công không? Hay bạn chỉ cảm thấy bị thúc đẩy để đạt được nhiều hơn?
Các câu trả lời rất đa dạng nhưng tất cả đều cho mình cái nhìn sâu sắc về những khuôn mẫu đã làm suy yếu đi hạnh phúc và sự thành công trong công việc của coachee hay các học viên của mình.
Đối với câu hỏi “Bạn muốn nhận được nhiều hơn hoặc cảm nhận nhiều hơn về điều gì khi bắt đầu kinh doanh"?” - các câu trả lời thường là “Tôi được công nhận nhiều hơn. Tôi cảm thấy như bất kỳ công việc nào tôi làm trước đó đều không được đánh giá cao hoặc thừa nhận. Ít nhất là khi tự kinh doanh độc lập, tôi được ghi nhận vì sự chăm chỉ của mình.” Đây có lẽ là một lý do lành mạnh để bắt đầu kinh doanh nhưng nó cũng có thể phản tác dụng - đặc biệt nếu bạn không quen công nhận bản thân. Nếu chúng ta không có ý thức lành mạnh về bản thân, chúng ta có thể coi thường sự xứng đáng của mình theo những nhận định từ bên ngoài của ai đó. Điều này sẽ khiến suy nghĩ “Tôi không xứng đáng được công nhận” thành một vòng lặp không có điểm dừng.
Khi mình hỏi "Những nhu cầu sâu sắc hơn nào đang được đáp ứng khi bắt đầu kinh doanh độc lập”, câu trả lời đều chính đáng và đầy cảm hứng. Ví dụ, mình có một khách hàng nói rằng bạn đã có thức cao về sự công bằng, về công lý từ khi còn nhỏ. Bạn nói “Em thấy rất nhiều điều không công bằng xảy ra xung quanh mình và khi bắt đầu sự nghiệp, em rất khó chấp nhận những điều không công bằng trong ngành dịch vụ tài chính. Em cảm thấy khó chịu về cách em được đối xử và cách người khác được đối xử. Vì vậy em ra riêng và tự tạo ra một cách làm việc, đối xử công bằng hơn cho phụ nữ cũng như khắc phục những cái nhìn thiếu thân thiện về ngành”. Nhìn bề ngoài thì đây có vẻ là một lý do lành mạnh để bắt đầu. Nhưng vì coachee này quá dính mắc với quan điểm cá nhân về công bằng nên trong quá trình kinh doanh, khi một khách hàng phản đối một chính sách mà bạn đưa ra, bạn có phản ứng khá tiêu cực. Điều này làm bạn cảm thấy căng thẳng với khách hàng và khiến bạn cảm thấy thất vọng khi có những điều mình đã không làm được.
Câu hỏi thứ ba “Bạn đã tự nhủ điều gì sẽ xảy ra nếu công việc kinh doanh thuận lợi và thành công?” thường mang lại những câu trả lời rất rõ ràng. “Nếu công việc kinh doanh thành công thì em sẽ chứng minh cho những người từng không ủng hộ em phải chú ý tới em nhiều hơn. Em sẽ chứng minh là luôn có sự công bằng trong ngành này và nếu mọi thứ tốt đẹp, em tin mình sẽ được thừa nhận và tôn trọng, xứng đáng với những gì mình có và sẽ quay trở lại tìm bố để nói chuyện”.
Rất nhiều người bắt đầu công việc kinh doanh để trở thành ông chủ và có nhiều tự do hơn, nhưng cũng có một số coi business là một hành động nổi loạn. Một mặt nó có thể mang lại động lực cao, nhưng mặt khác mọi thứ có thể sụp đổ khá nhanh vì cần phải có một thứ gì đó để họ tiếp tục phản kháng và chống lại. Điều này có nghĩa là business đang được xây dựng dựa trên cảm xúc, xung động và sự phản kháng cao độ. Mình đã thấy những học viên để duy trì động lực sẽ luôn tìm ra những điều gì đó để phản đối. Cuối cùng họ sẽ nổi dậy chống lại chính khách hàng, trợ lý và chính bản thân mình. Và tất nhiên, nó rất nguy hiểm.
Cuối cùng, khi mình hỏi coachee hoặc học viên họ cảm thấy thế nào khi làm việc thêm một giờ, bán thêm một sản phẩm hoặc đạt được cột mốc, câu trả lời thường là đầy hoảng sợ và lo lắng. Một coachee cho biết “Lúc đầu, mỗi lần bán hàng làm em vui lắm vì trước đây em chưa từng bán nhiều như thế, nhưng càng về sau em càng sợ bán, căng thẳng liên tục mỗi lần phải bán”. Một học viên chia sẻ “Em ước em có thể nói rằng em thấy nhẹ nhõm với cột mốc mình đạt được, nhưng thực sự em thấy sợ và căng thẳng”. Cho dù họ đã đạt được bao nhiêu cột mốc quan trọng hay kiếm được bao nhiêu tiền, nhiều người vẫn không thể chấp nhận thành tích của họ vì họ vẫn đang phản ứng với vết thương thời thơ ấu hoặc vết thương lòng từ những biến cố cũ trong công việc. Họ đang tìm kiếm sự an toàn nhưng cảm giác an toàn đó thật khó nắm bắt. Hóa ra tất cả tiền trên thế giới không mang lại sự an toàn từ bên trong.
Một trong những điều mình nhấn mạnh với các coachee và học viên là: Bạn thể hiện tất cả con người của bạn vào công việc bạn làm. Nó bao gồm: cảm xúc, nhu cầu, mong muốn của bạn. Vì vậy mặc dù bạn có thể chưa bao giờ nghĩ tới cảm xúc của mình khi bắt đầu kinh doanh nhưng mình có thể đảm bảo với bạn rằng bạn sẽ có một số cảm xúc chạy theo các quyết định và nguyện vọng của mình. Thật lý tưởng khi được kết nối với chúng và hiểu rõ chúng là gì. Bởi vậy, hãy cởi mở với suy nghĩ rằng business của bạn là một nỗ lực đầy cảm xúc và cách bạn cảm nhận về nó là rất quan trọng. Ví dụ như một học viên của mình:
Một số người bắt đầu hành trình solo của riêng mình để trở thành người chủ tốt hơn mà họ từng có trong quá khứ. Một số vô tình tái tạo lại hình mẫu sếp tồi từ những công việc trước, quá khắt khe với bản thân. Một số bắt đầu kinh doanh để chứng minh với một ai đó. Một số là để học cách tự ghi nhận chính mình.
Quan trọng là trên hành trình này, bạn có thấy mình đang có một mối quan hệ lành mạnh với business, với những gì mình làm? Bạn có thấy mình được hỗ trợ và được yêu thương bởi chính những gì mình làm? Hay bạn thấy nó đang đòi hỏi và khiến bạn cảm thấy không được tôn trọng? Bạn có đang tự xấu tính với bản thân mình? Hay bạn đang thực sự yêu thương và hỗ trợ chính mình?
Những gì bạn làm và hành trình solo bạn đang đi có giống như những gì bạn tưởng tượng và cảm nhận không? Hay nó đã trở thành một cuộc sống riêng mà bạn cảm thấy bị mất kiểm soát và kết nối?
Những bản tin sắp tới đây, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá xem động lực thật sự cho business của bạn là gì, được thiết lập thế nào và nó đang thực sự đại diện cho ai nhé!
Cảm ơn bạn đã đọc tới đây và chúc bạn một ngày tươi đẹp!
Mối quan hệ của chúng ta với business
Cảm ơn bài viết đúng lúc của chị. Đây cũng là điều em tự hỏi mình gần đây, rằng cuối cùng thì việc mình đang làm có ý nghĩa gì với mình. Em sẽ tự chiêm nghiệm dựa trên các câu hỏi gợi ý của chị. ❤
Khi bắt đầu nghĩ tới con đường làm riêng, em đã có nguyện vọng kiếm được mức thu nhập khi em còn làm full time mà chỉ cần dành ít time hơn, ít công sức hơn, ko cần ở văn phòng, được ở nhà hay bất cứ đâu, thoát khỏi năng lượng của những mối quan hệ toxic ở công việc cũ.
Nhưng những mục tiêu này sớm "thắt cổ" em. Mỗi khi gần sáng, khi em nửa mơ nửa tỉnh, những vô thức chứa đựng những nỗi sợ trong em lại trồi lên, mệt mỏi và bám đuổi em không ngừng. Ban ngày thì không sao, vì em tập trung làm cái này cái kia. Đến hôm nay, em nhận ra mình chỉ muốn buông bỏ tất cả đống mục tiêu, mong muốn kia đi. Em tự hỏi nếu em làm dự án riêng này không vì 1 lý do gì cả, thì em có tiếp tục không? Em đã chần chừ :) Tình yêu trong em không nhiều đến thế để chia sẻ cho công việc của mình.
Em cảm thấy cần tạm dừng lại để đối diện với những dính mắc trong lòng, từ nỗi sợ tiền bạc, sự ghi nhận của bên ngoài, sự tự tin, lòng tự trọng, những ảo ảnh/ảo tưởng của em về chính mình và cuộc sống mà mình muốn sống. Thật là một vũ trụ rộng lớn ở bên trong mình. Nhưng điều này, cho em 1 chút hi vọng, sắp xếp ổn thoả bên trong thì bên ngoài sẽ biết đi tiếp như thế nào.
Cảm ơn chị Linh nhiềuuuu <3