Không phải là số, đây mới là thứ giúp solo business của bạn thành công
Từ MVP tới MVE: sức mạnh của trải nghiệm trong kinh doanh chuyên môn độc lập
10 năm trước, MVP (Minimum Viable Product) - Sản phẩm khả thi tối thiểu và khái niệm Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) lên ngôi.
Không phủ nhận việc tinh gọn và tập trung vào những thứ khả thi tối thiểu từng là lời khuyên “vàng” cho các startup khi muốn vượt qua đối thủ cạnh tranh trên thị trường: tiết kiệm thời gian, tiền bạc, nguồn lực và đạt được lợi nhuận nhanh hơn.
Nhưng một thập kỷ đã trôi qua, liệu việc chỉ tập trung để tạo ra một sản phẩm khả thi rồi đem bán có còn phù hợp, đặc biệt là với solopreneur, các chuyên gia kinh doanh chuyên môn độc lập?
Nhất là khi AI ra đời, sự nhanh nhẹn tốc độ đã tăng lên gấp 100, 1000 lần… và khả năng mở rộng cũng như cạnh tranh chưa bao giờ khốc liệt đến thế? Việc đạt được tính khả thi, chữ “V” trong MVP trở nên nhanh hơn và rẻ hơn rất nhiều. Còn chữ “P” cũng sẽ va phải sự cạnh tranh khắc nghiệt khi chắc chắn sản phẩm của bạn tạo ra rất khó trở thành sản phẩm duy nhất trên thị trường hay là giải pháp duy nhất có trên thị trường.
Làm thế nào để bạn, một chuyên gia độc lập, có thể nổi bật giữa hàng ngàn, hàng vạn người khác cùng lĩnh vực?
Câu trả lời không nằm ở việc theo đuổi những con số KPI khô khan, mà là ở việc tạo ra một Trải nghiệm có giá trị tối thiểu (MVE - Minimum Valuable Experience) cho khách hàng của bạn.
Hi vọng đọc tới cuối cùng, bạn sẽ hiểu vì sao solopreneur, những người kinh doanh chuyên môn thay vì nghĩ về MVP, hãy dần chuyển sang MVE. Không phải chỉ đơn giản là tạo ra một sản phẩm khả thi có thể bán được trên thị trường, mà là tạo ra một trải nghiệm khiến cho khách hàng cảm thấy không thể thiếu được nó.
Giờ hãy cùng phân tích 2 ví dụ điển hình cho MVE, là 2 mentee của mình đồng thời cũng là 2 solo expert đang hoạt động trong lĩnh vực coaching & tư vấn về framework.
#Case study 1: Thanh Mai - Life Coach chuyên về Trì hoãn, Tự kỷ luật
Thanh Mai Facebook: https://www.facebook.com/coachthanhmai Self-discipline/ Routine Coach Bản tin: tukyluat.substack.com
Đầu năm 2024, chị Mai vẫn chưa thực sự chọn được ngách coach cho mình, title vẫn chung chung là “life coach” và thử coach với nhiều khách hàng khác nhau. Thị trường life coach tại thời điểm đó Linh đánh giá là đang bắt đầu bão hòa, đa dạng đủ các coach trong các khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, cứ 10 người life coach mà Linh tiếp xúc thì sẽ có tới 9 người không thực sự xác định được ngách coach và chân dung khách hàng mục tiêu của mình là gì.
Vậy nên, việc đầu tiên mà chị Mai và Linh làm cùng với nhau đó là: xác định ngách coach cụ thể.
Nhưng nếu xác định ngách coach xong rồi lại xây dựng chương trình coach (với x buổi trong x tháng) thì Linh không cảm thấy khả thi (và đó cũng là cách rất nhiều người coach đã làm rồi sau đó phải từ bỏ nghề coach vì không có thu nhập). Linh muốn chị Mai không chỉ cung cấp những phiên coach chung chung thông thường, mà cần phải tạo ra những trải nghiệm khác biệt cho đối tượng mục tiêu. Đặc biệt, chỉ TẬP TRUNG vào đúng 01 VẤN ĐỀ mà rất nhiều người đang phải đối mặt: sự trì hoãn và thiếu kỷ luật cá nhân.
Đây là những quan sát của Linh về cách mà chị Mai đã xây dựng MVE của chị:
Chọn ngách siêu hẹp: Thay vì cố gắng giúp mọi người trong mọi khía cạnh của cuộc sống, chị Mai tập trung vào một vấn đề cụ thể: trì hoãn và tự kỷ luật. Thậm chí ban đầu hai chị em đồng thuận sẽ chỉ thu hẹp đối tượng của mình là trong cộng đồng Solo Expert (cộng đồng dành cho các solopreneur kinh doanh chuyên môn): những người đang tự kinh doanh, đang bắt đầu sự nghiệp, những người thường xuyên bị overwhelm bởi khối lượng công việc và trì hoãn các hoạt động tiếp thị hoặc xây dựng thương hiệu cá nhân.
Bắt đầu bằng một thử thách giá trị và theo sát trong 21 ngày: Linh đăng đàn kêu gọi cộng đồng tham gia vào một thử thách có tên “21 ngày phá vỡ sự trì hoãn” với lời hứa giúp mọi người hiểu về bản chất của sự trì hoãn, cũng như các bài tập thực hành giúp họ tự chiêm nghiệm, tự thay đổi hành vi. Xuyên suốt thời gian ngày, Linh là người hướng dẫn thực hành theo thử thách còn chị Mai là người follow up những bạn tham gia, inbox từng người một để hỏi thăm và đề xuất các phiên 1:1 nếu họ cảm thấy cần được trợ giúp - hoàn toàn miễn phí.
Kết quả sau 21 ngày, với khoảng vài chục phiên 1:1, chị Mai có được 03 khách hàng đồng hành dài hạn để vượt qua trì hoãn (ngay cả khi chị còn chưa đóng gói chương trình hoàn chỉnh).
Nội dung đều đặn giá trị cao trên Facebook cá nhân: Chị Mai không chỉ đăng status động viên chung chung. Chị chia sẻ các phân tích chuyên sâu về tâm lý học hành vi, các học thuyết và chứng cứ liên quan tới chứng trì hoãn và thiếu kỷ luật tự thân của con người. Chị cũng chia sẻ những câu chuyện cá nhân về cuộc chiến với sự trì hoãn của chính mình, kèm theo những bài học và công cụ cụ thể mà chị đã sử dụng để vượt qua.
Kết quả trong vòng 01 tháng, chỉ với khoảng 2000 followers, chị đã có những bài viết được viral rất đáng ngưỡng mộ:
Thất bại là mẹ thành công? Sai rồi! Đây mới là kẻ thù thực sự của bạn! - 2300 shares
4 nguyên tắc cần nắm để vượt qua trì hoãn - 308 shares
Giải quyết trì hoãn từ nguyên nhân gốc rễ - 569 shares
Tại sao bạn trốn tránh điều mình khao khát - 202 shares
Bản tin email chuyên sâu: Bản tin của chị Mai là những bài viết chuyên sâu về trì hoãn trên các khía cạnh trí tuệ cảm xúc, tâm lý học, khoa học não bộ và khoa học hành vi. Không chỉ cung cấp kiến thức, mình cũng gợi ý các công cụ và bài tập thực hành đơn giản, xuất bản 3 bài/tuần, giúp chị tạo thêm một cộng đồng học tập chuyên sâu hơn và tăng độ tin cậy vào tính chuyên môn của chị.
Chuỗi sản phẩm thực hành hiệu quả: Thay vì một khóa học lớn, chị Mai tạo ra một loạt các "micro-courses" dưới dạng workshops với các chủ đề nhỏ: Năng suất ảo (vì sao bạn làm nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu), Cảm xúc & Trì hoãn (từ bế tắc tới vững vàng). Workshop còn được tặng kèm email course thực hành và follow up sau đó.
Xây dựng cộng đồng thực hành: Chị Mai có một cộng đồng thực hành 30 ngày vượt qua trì hoãn, tương tác mỗi ngày, bài tập được chia nhỏ từng bước, giúp tạo ra sự thay đổi thật sự và có lộ trình cụ thể để rèn luyện với sự hỗ trợ trực tiếp trong nhóm kín. Bạn có thể tham khảo chương trình này tại đây.
Tập trung vào việc cải thiện nội lực: chị Mai không chỉ dạy các kỹ thuật quản lý thời gian hay nâng cao hiệu suất. Chị tích hợp các phương pháp rèn luyện tâm trí đặc biệt sẽ đào sâu vào các khía cạnh về nội lực và vượt qua những chấn thương hoặc những tình huống khó khăn trong quá khứ (phần lớn là nguyên nhân dẫn tới trì hoãn và thiếu kỷ luật của khách hàng). Trải nghiệm và feedback của khách hàng từng các phiên 1:1 đều rất tích cực, với cảm giác an toàn, được lắng nghe sâu, được đồng cảm và được truyền động lực để thay đổi - ngay cả khi nó chỉ là các phiên trải nghiệm hoàn toàn miễn phí.
#Case study 2: Ngọc Quyên - Framework Advisor cho Solopreneur
Dương Ngọc Quyên Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=61552426785182 Framework Advisor
Trong khi chị Mai tập trung vào việc giúp cá nhân xây dựng kỷ luật, Quyên lại nhắm đến một đối tượng hẹp ngay từ ban đầu: các chuyên gia độc lập đang muốn hệ thống hóa kiến thức và xây dựng business của mình.
Đây là cách chị Quyên đã xây dựng MVE của mình:
Chọn ngách siêu hẹp: Chị chuyên thiết kế business framework và product framework cho các expert, đặc biệt là những người trong lĩnh vực coaching, consulting, và các ngành dịch vụ chuyên nghiệp khác.
Hệ thống hóa chuyên môn: Chị Quyên phát triển một phương pháp độc đáo để giúp các chuyên gia "giải mã" kiến thức của họ và đóng gói, chuyển nó thành các framework dễ hiểu, dễ áp dụng.
Chia sẻ nội dung chuyên sâu trên Facebook: Chị Quyên không chỉ đăng các tip ngắn mà viết các bài phân tích chuyên sâu về cách các expert nổi tiếng đã xây dựng framework của họ hoặc phân tích các framework nổi tiếng được áp dụng như thế nào.
Ra mắt được 4 SPDV chỉ trong 2 tháng: Đa dạng lựa chọn và phù hợp với nhu cầu của các khách hàng, bao gồm:
Webinar miễn phí
Bộ công cụ All-in-one cho solopreneur, Workshop 2 tiếng về thiết kế product framework (giá thấp)
Đo lường hiệu quả: chị Quyên cũng phát triển một bộ công cụ đơn giản giúp các expert đo lường hiệu quả của sản phẩm và framework trong business của họ. Công cụ này theo dõi các chỉ số như thời gian tiết kiệm được, tăng trưởng doanh thu, và sự hài lòng của khách hàng.
Thay vì chỉ đặt KPI, chạy theo con số, thì yếu tố “con người” và các trải nghiệm được ưu tiên hàng đầu
Với mình, để tạo ra MVE, chúng ta cũng cần có KPI. Nhưng 4 KPI này mới giúp cho các bạn thành công trong business, chứ không phải chỉ là con số doanh thu hay khách hàng. Đó là:
KPI#1: Keep People Interested (Giữ cho mọi người Quan tâm)
KPI#2: Keep People Informed (Giữ cho mọi người có Thông tin)
KPI#3: Keep People Involved (Giữ cho mọi người Tham gia)
KPI#4: Keep People Inspired (Giữ cho mọi người có Cảm hứng)
Trong trường hợp của chị Mai (Routine Coach):
KPI#1: Keep People Interested (Giữ cho mọi người Quan tâm): không chỉ đếm số người theo dõi trên Facebook, chị theo dõi tỷ lệ tương tác trên mỗi bài đăng - số bình luận, chia sẻ, và đặc biệt là số người thực hiện theo các gợi ý hoặc mua các sản phẩm mà chị đề xuất.
KPI#2: Keep People Informed (Giữ cho mọi người có Thông tin): không chỉ đếm số lượt subscribe bản tin, chị có các quiz nhỏ để kiểm tra mức độ hiểu và áp dụng kiến thức của người đọc.
KPI#3: Keep People Involved (Giữ cho mọi người Tham gia): không chỉ quan tâm đến số thành viên, chị dõi số người tham gia vào các thử thách và tỷ lệ hoàn thành, chị inbox cho từng người để hỏi xem họ có cần hỗ trợ gì không.
KPI#4: Keep People Inspired (Giữ cho mọi người có Cảm hứng): chị tổ chức các cuộc khảo sát để đánh giá mức độ hài lòng và cảm hứng của khách hàng, đặc biệt chú ý đến những câu chuyện về sự thay đổi trong cuộc sống mà khách hàng chia sẻ.
Trong trường hợp của chị Quyên (Framework Advisor):
KPI#1: Keep People Interested (Giữ cho mọi người Quan tâm): không chỉ đếm số người theo dõi trên Facebook, chị sẽ đo lường số lượng người sử dụng template mà chị cung cấp.
KPI#2: Keep People Informed (Giữ cho mọi người có Thông tin): liên tục có những nội dung giúp đơn giản hóa khái niệm về framework trong business, thậm chí là hướng dẫn toàn miễn phí và theo dõi chất lượng của các framework được tạo ra.
KPI#3: Keep People Involved (Giữ cho mọi người Tham gia): không chỉ quan tâm đến số người đăng ký mà chị còn theo dõi tỷ lệ người hoàn thành workshop và tạo ra được một framework sơ bộ.
KPI#4: Keep People Inspired (Giữ cho mọi người có Cảm hứng): chị Quyên sẽ tổ chức các buổi chia sẻ "Framework Success Story", nơi các học viên cũ chia sẻ về cách framework đã thay đổi business của họ.
Khi KPI tập trung vào con người thay vì con số
Đó là khi ta quan tâm tới:
Giá trị trọn đời của khách hàng : Chúng ta không chỉ quan tâm đến doanh thu từ khóa học đầu tiên mà cần theo dõi xem bao nhiêu phần trăm khách hàng tiếp tục mua các sản phẩm khác hoặc đăng ký dịch vụ coaching 1:1.
Khả năng tiếp tục giới thiệu SPDV: Chúng ta nên thường xuyên hỏi khách hàng: "Bạn có sẵn sàng giới thiệu dịch vụ của tôi cho bạn bè không?" và sử dụng phản hồi này để cải thiện liên tục.
Tỷ lệ áp dụng kiến thức: Thay vì chỉ đo lường tỷ lệ hoàn thành khóa học hoặc chương trình, ta nên theo dõi xem bao nhiêu phần trăm học viên vẫn duy trì được thói quen mới sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng.
Sự hài lòng của cộng đồng: Nên thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát trong cộng đồng để đánh giá mức độ hài lòng và thu thập ý kiến đóng góp.
Tỷ lệ đổi mới: Theo dõi số lượng ý tưởng mới cho nội dung, sản phẩm và dịch vụ được đề xuất bởi chính cộng đồng của mình.
Đối với solopreneur, chỉ số bạn cần quan tâm đừng chỉ là số lượng khách hàng hay doanh thu.
Với chị Mai, đó là nên là "Số ngày liên tiếp mà khách hàng duy trì được thói quen mới". Chỉ số này phản ánh đúng giá trị cốt lõi mà chị mang lại: giúp mọi người xây dựng kỷ luật cá nhân bền vững.
Hãy tập trung không ngừng vào việc tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng. Khi xây dựng cộng đồng Solo Expert, mục tiêu của mình không chỉ bán các khóa học hay các chương trình đào tạo, coaching, Linh tạo ra một hệ sinh thái nơi người học có thêm kiến thức, trải nghiệm và được hỗ trợ toàn diện giúp khách hàng thực sự thay đổi không chỉ business mà còn là cuộc sống của họ.
Đó chính là chìa khóa để chuyển từ MVP (Sản phẩm khả thi tối thiểu) sang MVE (Trải nghiệm có giá trị tối thiểu) và suy nghĩ lại về KPI từ các chỉ số khô khan sang các chỉ số tương tác lấy con người làm trung tâm.
Hãy nhớ rằng, trong thế giới của solopreneur và chuyên gia độc lập, không phải là về việc bạn có thể cung cấp cái gì, mà là về giá trị thực sự mà bạn mang lại cho cuộc sống của khách hàng. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ngày nay, tạo ra một trải nghiệm có giá trị tối thiểu và một sự chuyển hóa thật sự, chính là chìa khóa để bạn không chỉ tồn tại, mà còn phát triển mạnh mẽ.
Cảm ơn bài viết giá trị! <3
Khách hàng không chỉ mua thông tin mà còn mua sự chuyển hóa. Thời đại của thông tin có ở khắp mọi nơi cho nên nếu chỉ bán thông tin thì chưa đủ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ thấp hơn so với bán trải nghiệm. Solo expert nào tạo ra được trải nghiệm và chuyển hóa cho khách hàng thì người đó chinh phục được được kể cả những khách hàng khó tính nhất.