

Discover more from Freelance to Freedom
Một mô hình tinh thần trong kinh doanh độc lập: khả năng cải thiện nghịch cảnh
Cách mà bạn đối mặt với những thách thức trong quá trình kinh doanh cũng được mô hình hoá.
Kinh doanh không phải chỉ có mô hình doanh thu hay mô hình sản phẩm dịch vụ, tinh thần của bạn và những thách thức về mặt tinh thần cũng là những điều bạn phải đối mặt và học cách vượt qua. Một trong những khái niệm quan trọng nhất mà bạn có thể học hỏi và tìm hiểu sâu hơn đó là tính hợp lý hữu hạn (bounded rationality). Khái niệm này sẽ mở ra rất nhiều mô hình tinh thần mà bạn có thể nắm bắt và và sử dụng cho sự phát triển kinh doanh của mình mà một trong số đó (với mình) là một khái niệm đã thay đổi cách hiểu của mình về thế giới kinh doanh: khả năng cải thiện nghịch cảnh.
“Cải thiện” chứ không phải là “phục hồi” hay sự bền bỉ bởi khả năng phục hồi chống lại những cú shock rồi giữ mình toàn vẹn nhất có thể còn khả năng cải thiện nghịch cảnh là cách trở nên tốt hơn. Nassim Nicholas Taleb đã định nghĩ về khả năng cải thiện nghịch cảnh như thế này trong cuốn sách "Antifragile: Things That Gain from Disorder" (2012):
Antifragility (Linh tạm dịch là “khả năng cải thiện nghịch cảnh”) là khả năng tăng lợi từ sự rối loạn, sự không chắc chắn, nhiễu loạn, thay đổi và căng thẳng. Theo Taleb, có 3 loại hệ thống:
Fragile - dễ bị tổn hại, suy thoái khi có căng thẳng, rối loạn
Robust - có khả năng chống chịu căng thẳng, rối loạn mà không bị ảnh hưởng
Antifragile - không chỉ chống chịu mà còn được cải thiện, tăng cường khi có căng thẳng, rối loạn
Ví dụ, cơ thể con người có khả năng antifragile vì chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn khi tập luyện, vượt qua căng thẳng. Doanh nghiệp startup cũng có thể antifragile nếu học hỏi từ thất bại.
Như vậy, antifragility cho phép hệ thống tự cải thiện, phát triển qua những rối loạn, căng thẳng thay vì bị suy thoái. Và đó là khái niệm mình đã biết tới từ những năm 2016 nhưng chỉ thực sự có ảnh hưởng mạnh mẽ, làm mình thay đổi tư duy và cuộc sống khi mình bắt đầu làm solopreneur. Nó trở thành một trong những quan điểm, tư duy nền tảng cho sự nghiệp và thức đẩy cuộc sống của mình cho tới tận bây giờ.
Nhưng tại sao bây giờ mình mới viết về nó?
Bởi vì đây chính là một trong những thời điểm không chắc chắn nhất của thế giới, của thị trường mình đang kinh doanh và của rất nhiều người đang hoạt động tại thị trường đó.
Cải thiện nghịch cảnh và thiên nga đen
Trong cuốn sách của mình, Taleb đã mô tả khả năng cải thiện nghịch cảnh như thế này: “Một số được hưởng lợi từ những cú shock, họ phát triển và trưởng thành khi gặp phải những biến động, ngẫu nhiên, rối loạn và những yếu tố gây căng thẳng, đồng thời thích phiêu lưu, rủi ro và không chắc chắn. Tuy nhiên, bất chấp sự phổ biến của hiện tượng này, không có từ ngữ nào có hoàn toàn trái ngược với “fragile” (dễ tổn thương, mong manh…). Chúng ta hãy gọi nó là “antifragile”, có nghĩ là chống lại sự mong manh, dễ tổn thương. Khả năng này thậm chí vượt xa khả năng phục hồi bởi sự đàn hồi khi chống lại những cú shock thì giữ nguyên hoặc thậm chí yếu đi, nhưng khả năng chống lại sự tổn thương thì lại ngày một tốt hơn”.
Taleb cũng đưa một lời khuyên con người nên học hỏi về khả năng cải thiện nghịch cảnh và chống lại tổn thương này để tìm thấy những cơ hội và được hưởng lại từ các sự kiện “thiên nga đen”.
Thiên nga đen (Black swan) là một khái niệm do Taleb đưa ra trong cuốn sách cùng tên năm 2007.
Theo Taleb, thiên nga đen là những sự kiện có 3 đặc điểm:
Hiếm gặp: cực kỳ khó dự đoán và hiếm khi xảy ra.
Tác động lớn: ảnh hưởng nghiêm trọng, thay đổi cục diện.
Giải thích hồi tưởng: sau khi xảy ra, con người tìm cách giải thích nó một cách hợp lý như thể có thể dự đoán trước.
Ví dụ về thiên nga đen là sự kiện 11/9, chiến tranh thế giới, khủng hoảng tài chính... Đó là những sự kiện bất ngờ, khó lường, gây tác động lớn nhưng sau đó con người lại tìm cách lý giải chúng.
Trong thế giới chúng ta đang sống, thiên nga đen, thay vì là sự kiện triệu năm mới có một lần (như nhiều mô hình tài chính giả định về sự sụp đổ của thị trường), lại xuất hiện thường xuyên hơn, và thực tế, thiên nga đen thường định hình chúng ta nhiều hơn so với các sự kiện khác (giống như Covid-19 đã định hình một lối sống mới của loài người).
Như vậy, các mô hình dự báo truyền thống không còn phù hợp nữa. Thiên nga đen ngày càng trở nên phổ biến và định hình thế giới. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những bất trắc và chấp nhận tính tất yếu của chúng, tận dụng tình trạng hỗn loạn xảy ra sau đó. Khi bạn đặt bản thân, hệ thống và business của mình vào những “sự kiện hiếm hoi” này, chính là bạn đang xây dựng khả năng cải thiện nghịch cảnh.
Trong đại dịch Covid-19, nhiều solopreneur buôn bán hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa hoạt động. Thay vì than trách số phận, họ chuyển sang các mặt hàng thiết yếu đang được nhu cầu cao như khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm đóng gói. Nhiều solopreneur dịch vụ ăn uống chuyển sang bán online, giao hàng tận nơi thay vì phục vụ tại chỗ. Họ tận dụng sức mạnh công nghệ, mạng xã hội để tiếp tục kinh doanh. Một số khác solopreneur lĩnh vực giải trí, làm đẹp đã sáng tạo ra các khóa học, lớp học online thu hút người tiêu dùng.
Cá nhân Linh, đã tận dụng được sự rối loạn và hoang mang của Covid-19 để dạy viết nhiều hơn, xuất bản sách và trở thành best-seller với nội dung trở thành người viết tự do (ở đâu cũng làm được việc), phát triển cộng đồng những người tập viết, dạy về freelance business và sau đó là đào tạo đồng hành để trở thành solopreneur (sau đại dịch, nhu cầu dịch chuyển sang kinh doanh độc lập dựa trên chuyên môn và kỹ năng ngày một mạnh mẽ hơn). Trong 5 năm hoạt động, doanh thu của Linh đã cán mốc triệu đô (tính tới 10/2023) chỉ bằng việc làm việc độc lập với vai trò solopreneur.
Như vậy, có thể nói rằng, biến cố thiên nga đen là cơ hội để solopreneur thích ứng nhanh chóng, sáng tạo và tìm ra hướng đi mới phù hợp với tình hình. Họ trở nên mạnh mẽ hơn sau cú sốc. Trong lớp Solopreneur, Linh đã cố tình tạo ra một tình huống giả định về “thiên nga đen”, khi các bạn phải cùng nhau hoàn thiện sản phẩm trong một khoảng thời gian “không tưởng” và giới thiệu nó ra bên ngoài. Đã có bạn từng “ói mửa” trong khoảng thời gian mở bán và hoàn thiện sản phẩm, nhưng tất cả đều đã thực sự bắt tay vào hành động để biến nó thành hiện thực và trở thành một xu hướng trên thị trường. Trong vòng 7 ngày, 1000 sản phẩm được 20 con người cùng bán ra, mang về doanh thu 700 triệu. Nó là một cú shock từ lúc bắt đầu cho tới cả khi mở bán với nhiều bạn, rất nhiều người đã nghĩ mình không thể làm được, không thể hoàn thành, thậm chí bật khóc giữa chừng vì đang làm dở thì sản phẩm hỏng phải quay lại từ đầu. Nhưng sau tất cả, các bạn đều cảm thấy rằng khả năng của mình là không hề có giới hạn, cảm thấy mình sáng tạo linh hoạt hơn mình nghĩ vì cố gắng tìm ra cách để “đi tới mục tiêu” và đặc biệt là tìm ra cách để xoay chuyển tình hình cho phù hợp nếu mục tiêu ban đầu có thể không đạt được như kỳ vọng hoặc có những rủi ro quá lớn.
Đối với mỗi cá nhân, khả năng cải thiện nghịch cảnh giúp họ điều hướng trong một thế giới đầy những yếu tố gây căng thẳng ngẫu nhiên và không thể đoán trước nhằm mục đích thay đổi quỹ đạo cuộc sống của họ. Khi chúng ta có khả năng thích ứng linh hoạt, tận dụng tối đa cơ hội từ những biến cố bất lợi, thì chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và thành công hơn.
Thay vì sợ hãi và trốn tránh thiên nga đen, chúng ta hãy chấp nhận chúng như một phần không thể thiếu của cuộc sống. Hãy luôn sẵn sàng đối mặt với bất trắc và biến chúng thành cơ hội để phát triển bản thân. Điều đó sẽ giúp thay đổi quỹ đạo cuộc đời chúng ta theo hướng tích cực hơn.
Bộ 3 khả năng cải thiện nghịch cảnh
Để giải thích sự khác biệt giữa tính dễ tổn thương (fragile), sự mạnh mẽ (robust) và khả năng cải thiện nghịch cảnh, Taleb đã sử dụng ví dụ về 3 huyền thoại cổ xưa:
Hy Lạp cổ đại kể về Damocles, một quan thầy của vua cho rằng cuộc sống của vua rất tuyệt vời. Vua đề nghị ông ngồi trên ngai vàng, nhưng treo một thanh gươm trên đầu Damocles và giữ gươm bằng mái tóc mỏng. Điều này minh họa cho tính mong manh (fragile) vì chỉ một sợi tóc cũng có thể khiến thanh gươm giết chết ông ta.
Thần thoại Bắc Âu kể về Fafnir, một con rồng có vảy cứng như thép, không gì xuyên thủng được. Con rồng này mạnh mẽ vì nó sẽ sống lại từ đống tro tàn bất cứ khi nào nó chết. Đây là biểu tượng của sự mạnh mẽ, bền bỉ (robust) và những thách thức không gây hại cho nó nhưng nó cũng không được hưởng lợi hoặc trưởng thành từ chúng.
Thần thoại Hy Lạp nói về Hydra, bất cứ khi nào một trong nhiều cái đầu của Hydra bị cắt đi, hai cái đầu mới sẽ mọc lại ở vị trí cũ. Hydra phát triển mạnh mẽ hơn sau những tác nhân gây căng thẳng hay thách thức. Và đó chính là khả năng cải thiện nghịch cảnh (antifragile).
Khả năng cải thiện nghịch cảnh trong kinh doanh
Như Linh đã chia sẻ ở trên, người có khả năng cải thiện nghịch cảnh sẽ tìm cách hưởng lợi từ sự hỗn loạn mà họ trải qua - tức là ít nhất về mặt ý thức, họ không quá sợ hãi trước hỗn loạn, thậm chí coi đó là một cơ hội và sẵn sàng đón nhận nó.
Những ai theo đuổi việc cải thiện nghịch cảnh đều hiểu rằng họ đang chơi một trò chơi lâu dài bởi không thể tối ưu hoá cho ngày hôm nay hoặc ngày mai mà phải hy sinh những điều có lợi trong ngắn hạn để có được khả năng cải thiện nghịch cảnh về mặt lâu dài.
Để làm được điều này, họ cần phải có “second-order thinking”, nôm na là suy nghĩ ở một cấp độ sâu sắc hơn so với “first-order thinking”. Cụ thể hơn thì:
First-order thinking: Là cách suy nghĩ đơn giản, bề nổi, chỉ nhìn sự việc theo một chiều. Ví dụ: "Mua cổ phiếu A vì nó sẽ lên giá".
Second-order thinking: Là cách suy nghĩ sâu sắc hơn, xem xét vấn đề từ nhiều góc độ. Ví dụ: "Mua cổ phiếu A vì nó sẽ lên giá, nhưng cũng cân nhắc các rủi ro tiềm ẩn khiến nó không tăng giá như kỳ vọng".
Ưu điểm của second-order thinking:
Giúp nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.
Giảm thiểu rủi ro và tác động xấu không lường trước được.
Tăng khả năng ứng phó với bất trắc, biến cố (thiên nga đen).
Giúp ra quyết định sáng suốt và thành công hơn.
Linh sẽ chia sẻ thêm về điều này ở một bản tin khác. Còn sau đây là một số nguyên tắc đơn giản để bạn có được một cuộc sống và business có khả năng cải thiện nghịch cảnh khi là solopreneur:
Tuân thủ các phương pháp phỏng đoán đơn giản. Nghe có vẻ phản trực giác nhưng trong nhiều quyết định chiến lược, phương pháp phỏng đoán đã đánh bại các phân tích phức tạp. Bạn có thể dự đoán nhu cầu thị trường cho sản phẩm mới bằng cách tự mình thử nghiệm và quan sát phản ứng, hỏi trực tiếp một số khách hàng tiềm năng thay vì phân tích quá phức tạp (Bản tin tuần tới Linh sẽ hướng dẫn cho bạn về phương pháp này).
Đảm bảo có kế hoạch dự phòng để không một thất bại nào có thể trở thành thảm họa (không để trứng vào một giỏ). Sản phẩm, đầu tư đa dạng, không phụ thuộc vào nguồn thu nhất định. Tất cả các solopreneur mà Linh đào tạo đều có ít nhất từ 3-5 sản phẩm dịch vụ trở lên.
Hiểu cách tạo đòn bẩy bằng cách tạo các lựa chọn. Bạn có thể tạo các lựa chọn để mở rộng quy mô trong kinh doanh bằng cách nhắm mục tiêu tốt hơn vào các thị trường nhỏ hơn. Và khi bạn mở rộng quy mô, bạn có nhiều lựa chọn hơn. Bạn đang là một KOLs trong lĩnh vực beauty dành cho các bà mẹ và bạn đã có 10 năm làm việc này thì bạn hoàn toàn có thể mở rộng thêm business về việc hướng dẫn cho các bà mẹ cũng muốn trở thành KOLs giống như bạn.
Tập trung vào những điều không khuyến khích hơn là khuyến khích. Bạn có thể nghe rất nhiều những điều khuyến khích cần phải làm khi kinh doanh chuyên môn: phải có website, phải xuất hiện trên Tiktok, phải viết sách… nhưng có những điều không khuyến khích cũng có lợi ích nổi trội hơn hẳn, ví dụ như đi tìm điểm yếu của đối thủ cạnh tranh và tập trung vào những gì mình mạnh mẽ hơn để cạnh tranh.
Chấp nhận nhiều rủi ro nhỏ và đặt cược có thể đảo ngược thông qua thử nghiệm. Thay vì đóng gói ra mắt một sản phẩm dịch vụ với quy mô quá lớn, bạn hãy thử nghiệm sản phẩm với quy mô nhỏ, số mẫu ít và kiểm tra tính khả thi của nó.
Tránh tiêu thụ thông tin quá nhiều hoặc quá bận tâm với dữ liệu. Dữ liệu rất tốt để tối ưu hóa mọi thứ, nhưng có những thời điểm nhất định trực giác có thể thúc đẩy sự đột phá trong kinh doanh, hãy đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận trực giác đó và đừng bỏ qua nó.
Đảm bảo bạn để tâm vào trong trò chơi kinh doanh bạn đang chơi. Linh hồn trong trò chơi là xây dựng một thứ gì đó lâu dài, tin tưởng vào những gì bạn làm, bướng bỉnh và cũng tạo ra giá trị to lớn cho những người theo dõi bạn! Hãy xây dựng thương thiệu và tạo dựng niềm tin khách hàng lâu dài.
Tránh chấp nhận những rủi ro không thể khắc phục được trừ khi bạn phải đối mặt với mối đe dọa sinh tồn. Chấp nhận rủi ro là một phần của trò chơi kinh doanh trong cuộc sống, tuy nhiên bạn cũng muốn chắc chắn về những rủi ro mình gặp phải, vì khi chúng không thể thay đổi được, chúng có thể tạo ra những hậu quả không lường trước được. Đừng đầu tư quá nhiều vào một dự án mà không thể thoát ra được, luôn chừa sẵn cho mình một đường lùi.
Tóm lại, trong bản tin hôm nay, chúng ta đã cùng nhau làm rõ:
Khái niệm về khả năng cải thiện nghịch cảnh được đưa ra bởi Nassim Nicholas Taleb, nó vượt xa khả năng phục hồi hay chỉ là sự mạnh mẽ đơn thuần, nó là sự cải thiện và trở nên mạnh mẽ sau những biến cố.
Sự hỗn loạn không phải là xấu, nó là cơ hội để bạn có thể phát triển và thích nghi.
Những sự kiện Thiên nga Đen là những sự kiện không thể đoán trước với sự tác động đáng kể và khả năng cải thiện nghịch cảnh đặt biệt có ý nghĩa khi xảy ra những sự kiện thiên nga đen.
Bộ ba liên quan tới khả năng cải thiện nghịch cảnh là: dễ bị tổn thương bởi một điểm thất bại, chịu được va đập nhưng không thay đổi, khả năng phát triển mạnh mẽ hơn sau những căng thẳng.
Chấp nhận sự không chắc chắn: chúng ta xây dựng khả năng cải thiện nghịch cảnh không nhằm mục đích dự đoán tương lai mà là chuẩn bị cho nhiều khả năng có thể xảy ra. Tương lai là không chắc chắn và chúng ta cần xây dựng khả năng thích ứng trong chiến lược của mình.
Những solopreneur có khả năng cải thiện nghịch cảnh luôn cho phép bản thân đổi mới, học hỏi và thích ứng, nhanh chóng xoay chuyển và phát triển khi đối mặt với những thách thức bất ngờ.
Để cải thiện nghịch cảnh, solopreneur cần có kế hoạch dự phòng, đa dạng hoá và dự phòng để giảm thiểu tác động của sự gián đoạn.
Những sai lầm và thất bại được coi là cơ hội để cải tiến, học hỏi từ thất bại để điểu chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp.
Solopreneur có khả năng cải thiện nghịch cảnh sẽ liên tục tìm kiếm phản hồi, phân tích kết quả và điều chỉnh chiến lược dựa trên kết quả thực tế.
Nguyên tắc cho một cuộc sống mà solopreneur có khả năng cải thiện nghịch cảnh: tuân thủ những nguyên tắc như coi trọng sự đơn giản, tinh gọn, lập kế hoạch dự phòng, tận dụng tính ngẫu nhiên, tạo ra các lựa chọn, tập trung vào những điều ít được khuyến khích, thử nghiệm, cân bằng giữa dữ liệu và trực giác, để tâm vào việc mình làm và đánh giá thận trọng những rủi ro.
Khả năng cải thiện nghịch cảnh giúp solopreneur không chỉ tồn tại mà còn phát triển dù có gặp bất trắc tới đâu. Nó thách thức những quan niệm truyền thống khi nhiều solopreneur vẫn ác cảm với rủi ro và khuyến khích chấp nhận thay đổi để tăng trưởng và thành công.
Hy sinh hiệu quả ngắn hạn để có được khả năng thích ứng và thành công lâu dài là điều hoàn toàn bình thường trong quá trình xây dựng sự cải thiện nghịch cảnh.
Dù đã đạt được một vài thành tựu trong sự nghiệp solo, nhưng không có nghĩa là Linh không còn sợ. Quan trọng là ta nhận diện nỗi sợ và hiểu rằng sự thách thức, những hỗn loạn hay sợ hãi là cơ hội để mình vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh và nâng cao vị thế của mình trong thị trường mình đang hoạt động.
Bạn có muốn chia sẻ điều gì với Linh về khả năng cải thiện nghịch cảnh không?
Một mô hình tinh thần trong kinh doanh độc lập: khả năng cải thiện nghịch cảnh
cảm ơn chị Linh về bài viết, em đang trong giai đoạn đúng có thể tạm gọi là "nghịch cảnh", đọc bài viết của chị, em thấy mình có tinh thần cố gắng nhiều hơn, không biết kết quả sẽ là tốt thế nào, nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn mỗi ngày so với hôm qua❤️❤️❤️❤️
Em cực kỳ thích bài viết này. Đúng giai đoạn Covid-1 thì e xem 1 video về khái niệm anti-fragile, nhưng chưa hiểu lắm nóứng dụng vào cuộc sống như thế nào. Thấy hơi mơ hồ và dễ lẫn với khái niệm resilience. H đọc bài này thấy rất minh bạch, rõ ràng. Kiểu như 1 cái là phải chịu đựng nghịch cảnh, 1 cái sẵn sàng đối mặt. E cũng hiểu vì sao không cảm thấy thoải mái lắm với từ “thích ứng” trong cách mn dùng quá nhiều hiện tại. dường như nó mang nặng nét nghĩa của sự chịu đựng, mà nghịch cảnh là ‘một phần tất yếu của cuộc sống’ :))) nhận thức như này có vẻ dễ đối diện và dám đương đầu với nó hơn.