Đi ngược số đông
Xây dựng sự nghiệp và tạo ra dấu ấn cá nhân bắt đầu từ những góc nhìn riêng có và tạo ra tranh luận.
Nhiều người sợ hãi khi thấy mình có những suy nghĩ quá khác biệt so với số đông hoặc so với những quan điểm đã từng tồn tại trước đó.
Mình thì tin rằng những suy nghĩ khác biệt hoàn toàn có thể trở thành điểm tựa giúp một người tạo ra dấu ấn cá nhân và những cơ hội phát triển sự nghiệp của họ, đặc biệt là với những ai đang theo đuổi hành trình khởi nghiệp độc lập và là solopreneur.
Chúng ta đang sống trong một thế giới quá ồn ào và dù bạn đang làm việc trong lĩnh vực nào, cũng có hàng ngàn hàng triệu người đang cố gắng để được chú ý nhiều hơn (giống như bạn). Vậy nên nếu không có sự khác biệt, người khác sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy bạn. Và để nổi bật hơn, để có những dấu ấn cá nhân rõ nét hơn, một trong những thứ bạn cần phát triển đó là khả năng “đi ngược số đông” thông qua một số những quan điểm có thể tạo ra tranh luận.
Trong bài viết (khá dài này), mình sẽ chia sẻ:
Định nghĩa của riêng mình về những góc nhìn gai góc và ví dụ minh họa để bạn hiểu hơn nó là gì.
Cách bạn có thể đẽo gọt những góc nhìn từ chung chung trở nên sắc bén hơn.
Những góc nhìn “gai góc”
Đó là những góc nhìn mà người khác có thể không đồng ý với bạn. Đó cũng có thể là niềm tin bạn cảm thấy tin tưởng mạnh mẽ và sẵn sàng ủng hộ. Đó là những quan điểm riêng của bạn về những chủ đề nằm trong chuyên môn của bạn.
Mỗi người có một cách nhìn thế giới độc đáo. Và chính thế giới quan này tách biệt bạn với những người khác. Thế giới quan đó được tạo thành từ kinh nghiệm, kỹ năng, tính cách, bản năng và cả trực giác của bạn. Tất cả tạo nên con người bạn ngày hôm nay.
Góc nhìn “gai góc” thể hiện cách tiếp cận nghề và chuyên môn của bạn. Nó cho thấy lý do vì sao bạn có những quyết định của riêng mình, cho thấy bạn đã nghiêm túc như thế nào với nghề và cách bạn giải thích những gì đang vận hành quanh mình.
Góc nhìn độc đáo này không thể bắt chước, bởi nó hình thành từ riêng cá nhân mỗi người. Nó là duy nhất và nó tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Nó bắt nguồn từ niềm tin, bản sắc và sự chân thực của bạn.
Và ai cũng có một góc nhìn như thế bên trong mỗi người.
Khai quật những góc nhìn “gai góc”
Dẫu ai cũng đã có những góc nhìn sẵn có bên trong mỗi người, nhưng không phải ai cũng nhận ra và chịu thừa nhận nó.
Những góc nhìn này thường sẽ:
Có thể mang ra để tranh luận, có những người không đồng ý với quan điểm hay góc nhìn của bạn (đương nhiên nếu ai cũng đồng ý thì chẳng còn gì để nói). Mình từng có một quan điểm thổi bùng lên tranh cãi khi còn làm parenting coach đó là “E.A.S.Y mà chẳng easy chút nào”. Khi chia sẻ quan điểm này, độc giả lập tức chia làm 3 phe, 1 phe ủng hộ, 1 phe bài trừ và 1 phe trung lập. Mình thậm chí còn bị “ném đá” và miệt thị dù nếu chịu khó đọc kỹ, bài viết đó không hề động chạm hay chê bai gì ai hay phương pháp nào. Nhưng cũng chính sự quả quyết và quan điểm mọi phương pháp đều cần được “customized” trước khi áp dụng vào thực tế, rất nhiều người đã ủng hộ mình.
Có thể dạy cho độc giả/khách hàng điều gì đó liên quan mà họ chưa từng biết trước đó. Nó không chỉ dừng lại ở tóm tắt thông tin hay khơi ra vài câu hỏi là xong. Nó là một góc nhìn hoặc quan điểm khiến mọi người nhìn nhận vấn đề của họ theo một cách mới. Giống như khi mình viết và xuất bản cuốn sách “Con đường trở thành Freelance Writer” năm 2020, đã có rất nhiều người ngạc nhiên rằng nghề viết có thể kiếm sống tốt như thế và nhiều người đã thay đổi suy nghĩ rằng công việc họ đang làm là rẻ mạt, không có tương lai. Tháng 6 này mình cũng sẽ tiếp tục ra mắt một cuốn sách với tinh thần khác biệt như thế, giúp mọi người nhìn nhận khác đi về việc kinh doanh chuyên môn trong bối cảnh nền kinh tế mới. Hãy chờ đón nhé!
Có thể là một góc nhìn bắt nguồn từ các bằng chứng nhưng nó chưa được chứng minh hoặc chưa có tính phổ quát nhưng bạn tin vào quan điểm của mình, bạn thực hành nó và chấp nhận sẽ có những người không đồng ý với quan điểm đó. Cách đây 3 năm, trong giới làm content có rất nhiều những bài viết “than thở” về nghề là bạc bẽo và người đọc ở Việt Nam sẽ chỉ thích đọc những thông tin giải trí, ít có tính chiều sâu. Mình bắt tay vào làm bản tin trả phí, mỗi bản tin dài tối thiểu 2000-3000 chữ. Mình thu phí ngay từ những ngày đầu tiên làm bản tin. Kể từ tháng 4/2021 tới nay, mình trở thành “best seller” trên substack vì đã bán được hàng trăm paid subscription và hiện tại Freelance to Freedom đang có khoảng 16,000 bạn đọc. Doanh thu từ bản tin trung bình là $1500 - $2000/tháng.
Đòi hỏi sự thuyết phục: có nghĩa là chính bản thân bạn phải có đủ can đảm để ủng hộ cho những gì mình tin tưởng. Nó là một dạng lập trường và bạn sẽ là người thuyết phục người khác về quan điểm này khiến họ tin vào nó giống như bạn. Mình đã dành 5 năm để làm việc và chứng minh sự kiên định của mình vào con đường “solopreneur”, một con đường kinh doanh chuyên môn phi truyền thống. Không phải là đi làm cho một tổ chức rồi thăng tiến mới là lựa chọn tốt nhất. Bạn hoàn toàn có thể phát triển kinh doanh dựa trên chính chuyên môn của mình và cho tới giờ phút này, mình tin rằng đã có những người bị thuyết phục khi họ cũng sống rất tốt khi làm solopreneur với sự hỗ trợ và định hướng của mình.
Một số ví dụ về những góc nhìn đi ngược số đông của riêng mình mà bạn có thể tham khảo để hiểu hơn:
Nhiều người làm sáng tạo nội dung cho rằng “Nội dung dài thì chẳng ai đọc đâu”, còn mình thì tin rằng Viết nội dung dài và chuyên sâu sẽ là một mang lọc tốt để lọc những người đọc và khách hàng tiềm năng thực sự muốn dành thời gian cho những nội dung và sản phẩm dịch vụ của mình.
Nhiều người nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi làm biz là bán được sản phẩm, nhưng với mình điều quan trọng là “Bán được sản phẩm xong rồi sao?”. Nhiều người không dành đủ thời gian cho những gì xảy ra sau khi họ đã bán được sản phẩm và không tận dụng được nguồn khách hàng này để tiếp tục phát triển các sản phẩm mới hoặc xây dựng cộng đồng để tạo ra sự gắn kết tốt hơn.
Cũng liên quan tới biz nhưng là biz với các freelancer/solopreneur thì nhiều người bắt đầu sự nghiệp solo của họ bằng cách bán dịch vụ 1:1 nhưng chi phí rất rẻ và cuối cùng họ bị kiệt sức. Mình cho rằng 1:1 nên là dịch vụ giá cao (thậm chí cao nhất) và nếu muốn bán 1:1 thì phải đóng gói lại dịch vụ (sản phẩm hóa dịch vụ) mới có thể tối ưu và bán được nhiều hơn với lợi nhuận tốt hơn (hãy tìm đọc các bài viết của mình trên Freelance to Freedom về chủ đề này).
Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng nếu doanh nghiệp đang vận hành tốt thì họ cần gì phải xây dựng thương hiệu cá nhân hay tạo ra thêm ảnh hưởng. Với mình thì đây không phải là câu chuyện “nên hay không nên” mà là chuyện “tốt và tốt hơn nữa”. Thêm nữa, trong thời đại này, xây dựng sự uy tín và ảnh hưởng là yếu tố sống còn để kinh doanh. Mời bạn tìm hiểu về chương trình Authentic You nếu bạn đang quan tâm tới chủ đề này.
Thay vì chỉ lên lớp học bài rồi làm bài tập vào chờ phản hồi, mình cho các học viên chương trình Becoming a Solopreneur thực hành ngay trên biz của họ, từ khâu lên kế hoạch doanh thu, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, ra mắt sản phẩm đầu tiên và thực hành việc bán, sáng tạo sản phẩm theo hình thức mới, thực hành tỉnh thức và cân bằng công việc… cùng rất nhiều các thử thách và hành động cần thiết trên hành trình kinh doanh chuyên môn độc lập. Sự trải nghiệm thực tế cộng với có người đồng hành và có đồng đội đi kèm, liên tục được hỗ trợ về tinh thần bởi learning coach giúp cho hành trình của các bạn dễ dàng hơn và suôn sẻ hơn.
Bắt đầu với lý do tại sao là động lực tốt đẹp ban đầu, nhưng sẽ không ai quan tâm tới “tại sao” của riêng bạn vì họ chỉ quan tâm tới cách bạn có thể giúp họ mà thôi.
Nhiều người chỉ tập trung vào lợi ích hoặc lợi thế của các kênh truyền thông, phương tiện, ngân sách và thời gian mà họ có (nguồn lực) nhưng quên đi hạn chế của tất cả những yếu tố này. Hạn chế của nó mới là điều quan trọng cần nhận ra, để hiểu rằng mình có thể làm gì, không làm gì, nên làm như thế nào.
Cộng đồng không phải là nơi tiêu thụ nội dung, nó là nơi dùng nội dung để kết nối. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều những góc nhìn gai góc và khác biệt của mình tại
hoặc facebook group Community Growth Lab.Người viết không cần phải học về kỹ thuật viết tốt trước tiên, mà là làm việc với những rào cản tâm lý bên trong họ trước. Khác với quan điểm đi học viết là học ngay về kỹ thuật, các loại công thức viết cứng nhắc, mình tin rằng phần lớn người viết không viết được hoặc cải thiện được kỹ năng viết là do không có sự cam kết/biết viết thành thói quen và không vượt qua được những nỗi sợ hãi khi xuất bản bài viết hoặc bộc bạch bản thân qua những bài viết. Góc nhìn khác biệt này đã tạo ra một sự bùng nổ và khác biệt trong cộng đồng On Writing Daily.
Sự đồng cảm thường là một kỹ năng dễ bị bỏ qua khi làm biz. Đó là quan sát của mình và chưa có số liệu chứng minh nhưng 10 người làm việc cùng mình thì 9 người không thực sự biết cách hoặc có sự đồng cảm với khách hàng của họ. Chúng ta không nên chỉ đồng cảm để trở thành hoa hậu thân thiện, thành người tốt bụng, thấu hiểu và… để đó. Khi ta đồng cảm, ta sẽ đi vào trong tâm trí người khác, tìm ra những gì họ thực sự muốn và tại sao họ cảm thấy như vậy. Điều này có lợi vô cùng lớn bởi: nó giúp mình viết được những bài viết quảng cáo tốt hơn, nó giúp mình không vội vàng push sale hay chốt sale khi người ta chưa sẵn sàng, nó giúp mình có chiến lược tốt hơn, giúp mình có được những điều mình muốn nhanh hơn, dễ hơn. Sự đồng cảm có thể giúp bạn trở thành nhà tư tưởng, nhà đàm phán xuất sắc hơn và tạo ra giá trị để đôi bên cùng có lợi.
Cách bạn có thể đẽo gọt những góc nhìn từ chung chung trở nên sắc bén hơn
Mình phát hiện ra chủ yếu chúng ta không dám đưa ra những góc nhìn riêng là do SỢ HÃI. Nỗi sợ hãi là rào cản lớn nhất bởi chúng ta sợ sự phán xét, sợ mọi người bàn tán, sợ người khác không đồng ý với mình, sợ mình sai hoặc sợ người ta hiểu sai những gì bạn đang cố truyền đạt.
Vì sợ nên nhiều người chọn con đường an toàn hơn, chỉ nói những gì mọi người xung quanh đã đồng ý. Đúng là chia sẻ những góc nhìn sắc sảo sẽ đòi hỏi bạn một chút dũng cảm (nhưng an tâm, bạn sẽ tập luyện được điều đó).
Nếu bạn đã quen đi theo những góc nhìn an toàn và giờ muốn mài sắc những góc nhìn của mình, hãy cố gắng tinh chỉnh và cụ thể hóa chúng.
Gần đây trong lớp Solopreneur Khóa 2 của mình có một học viên là KOL khá nổi tiếng trong lĩnh vực beauty, bạn đã làm sáng tạo nội dung và hợp tác với các nhãn hàng được khoảng 10 năm. Sắp tới bạn định hướng sẽ bắt đầu chia sẻ và dạy về chuyên môn sáng tạo nội dung nhưng lại không tự tin vì cảm thấy mình chưa đủ giỏi và sắc bén. Mình nghĩ rằng nếu chúng ta chưa thực sự tìm ra những điểm khác biệt, nó không phải là một lỗi sai hay điều gì phải xấu hổ. Luôn có 2 cách để tiếp cận khi ta muốn dạy lại cho người khác:
cách 1: là một chuyên gia
cách 2: là người mới bắt đầu
Hầu hết mọi người nghĩ họ phải là chuyên gia trước khi họ có thể dạy hoặc xây cộng đồng, nhưng một số người sáng tạo thành công nhất thực sự dựa vào trạng thái mới bắt đầu của họ. Ví dụ như Alex Blumberg trên Startup Podcast. Ví dụ như mình khi là người đầu tiên và duy nhất dạy về Bản tin trả phí ở Việt Nam. Hay cũng chính mình là người duy nhất xuất bản sách và dạy chuyên sâu về solopreneur. Nếu mình đợi tới khi mình giỏi, chắc không bao giờ có ngày mình ra mắt được sản phẩm.
Với mình, một góc nhìn gai góc hay khác biệt khác với một quan điểm nóng đang gây tranh cãi. Mình nói có 2 cách để một người dạy lại cho người khác nhưng bạn có thể nói có 3 cách, 10 cách. Bạn có thể không đồng ý với những gì mình viết, ví dụ như theo bạn thì nó có 2 cách: 1 là chuyên gia, 2 là người hỗ trợ/đồng hành. Hãy mài giũa góc nhìn của riêng bạn thêm nhé!
Ngoài ra, đừng sao chép quan điểm của người khác.
Đây là điều mình đã gặp từ ngay chính những người đã từng là học viên của mình, khi thấy họ gần như sao chép nguyên văn những câu nói hoặc nhận định của mình về một vấn đề chuyên môn.
Những góc nhìn gai góc sẽ là những mũi gai khiến bạn chảy máu nếu không biết cách dùng nó đúng chỗ, đúng lúc và đúng cách. Vay mượn của người khác, sẽ khiến mức năng lượng và sự tin tưởng của bạn không ổn định.
Bây giờ là bài tập cho bạn
Hãy trả lời những câu hỏi gợi ý sau đây để khám phá và mài sắc những góc nhìn chuyên môn của bạn, sau đó suy nghĩ xem có thể tận dụng nó thành lợi thế kinh doanh của bạn hay không nhé: