Đâu là cách nhanh nhất để có thu nhập cao hơn, phục vụ được nhiều người hơn và tạo ra tác động lớn hơn?
Chọn đúng sản phẩm cho đúng thị trường, vào đúng thời điểm!
Nếu bạn đã là người kinh doanh tối thiểu từ 2 năm trở lên, đặc biệt là kinh doanh độc lập (self-employed, solopreneur, one-person business…), chắc chắn sẽ có một thời điểm nào đó trên hành trình, bạn tự hỏi làm thế nào để mình có thể tạo ra một sản phẩm, một chương trình hoặc một khóa học cho phép bạn tối ưu được thời gian, tăng doanh thu và nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh của mình. Phải không?
Về mặt lý thuyết, ai cũng mong như thế.
Nhưng điều đó chẳng hề đơn giản. Mình đã nhìn thấy quá nhiều người từ bỏ mục tiêu và ước mơ tự do của họ, không phải vì họ thiếu tài năng hay kỹ năng, thậm chí còn là những người rất giỏi chuyên môn. Cũng không phải vì họ không có cái gọi là “tố chất” kinh doanh. Mà vì họ dành quá nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc vào sai chỗ. Hoặc là sản phẩm rất tốt nhưng thị trường không cần! Hoặc là một thứ thị trường cần nhưng lại không đúng thời điểm.
Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn 3 nội dung chính:
Bạn hoàn toàn có thể thành công ngay cả trước khi bắt đầu tạo ra sản phẩm của riêng mình
Cách để chọn đúng sản phẩm dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi nhuận
Một yếu tố quan trọng phải xuất hiện trong tất cả các sản phẩm dịch vụ, thậm chí là suốt vòng đời business của bạn
Những hướng dẫn thực tiễn này đã giúp mình và nhiều học viên của mình có thu nhập nhanh hơn, đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Hãy nghĩ về một sản phẩm thông minh và thành công, sau bài viết ngày hôm nay!
Chiến lược để thành công ngay cả trước khi bạn bắt đầu
Học viên hoặc mentee luôn hỏi mình “Liệu em làm (một điều gì đó, triển khai một dịch vụ sản phẩm nào đó) thì có thành công không chị?”. Thật sự thì nếu trả lời được, chắc mình đã thành tỷ phú (hehe). Mình chỉ biết rằng:
Trong mọi giai đoạn kinh doanh, quyết định quan trọng nhất mà mỗi người phải đưa ra đó là LOẠI SẢN PHẨM DỊCH VỤ mà mình cần tạo ra và thể hiện được sự đặc trưng của mình (signature products/programs).
Nếu chọn đúng, tất nhiên bạn sẽ may mắn kiếm được nhiều tiền và thành công.
Nếu chọn sai, bạn cạn kiệt thời gian, năng lượng, tiền bạc cho tới khi chẳng còn gì cả.
Nói về điều này không phải để dọa cho bạn sợ hãi, mà là để bạn hiểu rằng lựa chọn sản phẩm dịch vụ là tối quan trọng, dù bạn đang ở giai đoạn nào. Thành công của một sản phẩm, không đơn giản chỉ ở chuyện nội dung của nó nhiều thế nào, giá cả nó ra sao hay kết quả nó tạo ra cho khách hàng thế nào.
Khi học thạc sỹ về marketing, thầy giáo của mình đã nói rằng:
Thông điệp đúng, thị trường đúng, phương tiện đúng - đó là cách để tạo ra những chiến dịch tiếp thị thành công.
Nó làm mình liên tưởng tới chuyện kinh doanh:
Sản phẩm đúng, thị trường đúng, thời điểm đúng - đó là cách để tạo ra một sản phẩm thành công.
Vậy thế nào là đúng? Có 3 yếu tố bạn cần phải cân nhắc:
Yếu tố 1: Đúng loại
Không có gì sai khi bạn ước một khóa học mình vừa ra mắt sẽ có 100 người đăng ký, thậm chí là 1000. Điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được, tin mình đi, vì mình đã bán được cho gần 11,000 học viên trong suốt 3 năm qua (với khoảng 20 sản phẩm), tương đương trung bình mỗi khóa học bán được cho 550 người.
Nhưng nếu mình không có các công cụ để hỗ trợ cho việc mở rộng và phát triển lớn, không chịu tìm tòi và thử nghiệm, những con số này không bao giờ có thể trở thành hiện thực.
“Công cụ” ở đây là gì? Nói tới việc tạo sản phẩm, công cụ chính là quy trình và hệ thống của bạn. Nếu bạn đang bán một sản phẩm chỉ với 10 người dùng được một lúc mà muốn biến nó thành 1000 người có thể dùng, thì bạn phải tự hỏi mình rằng: Liệu mình đã có dịch vụ khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật và những điều kiện cần để hỗ trợ nhiều người cùng một lúc hay chưa. Kéo theo đó còn là tiếp thị, quảng cáo, phân phối sẽ có thể đội chi phí lên rất tốn kém và phức tạp.
Có nhiều cách để phân loại và kết hợp sản phẩm nhưng thường được phân loại làm 3 loại:
1:1 - một sản phẩm phục vụ cho 1 người
1:Few - một sản phẩm phục vụ cho nhóm nhỏ (số lượng xác định được)
1:Many - một sản phẩm phục vụ cho rất nhiều người (số lượng không xác định)
Ví dụ:
Nếu bạn là freelance writer, không thể cung cấp dịch vụ của mình cho quá nhiều khách hàng cùng lúc, chương trình của bạn cần được cá nhân hóa 1:1
Nếu bạn là chuyên gia về tâm lý học, bạn có thể tạo ra các khóa học hoặc workshop với mô hình 1:Few trực tiếp dành cho cha mẹ hoặc tạo ra những khóa học cơ bản 1:Many phục vụ cho thị trường "đại trà” là tất cả những ai quan tâm tới tâm lý học cơ bản
Có một câu chuyện thế này.
Giữa năm 2022, một huấn luyện viên về sức khỏe tìm tới mình và nói rằng, vì sao bạn đã thực hành hơn 100 giờ coach, đã viết và chia sẻ rất nhiều trên blog về sức khỏe thường thức, đã tổ chức các workshop miễn phí cho cộng đồng… nhưng nó vẫn không mang lại thu nhập tốt như bạn mong muốn. Bạn có một khóa học và bạn mong mình sẽ có 20 học viên đầu tiên nhưng thực tế mỗi lần tuyển sinh, bạn chỉ tuyển được 1 người. Khi làm việc cùng mình, cuối cùng bạn nhận ra rằng bạn sẽ phù hợp với dịch vụ 1:1 hơn là một khóa học có giá trị cao với đông đảo học viên.
Trong chương trình Becoming a Solopreneur, một trong những điều các bạn phải trăn trở và thực hành gần như đầu tiên trong chiến lược kinh doanh là chọn sản phẩm phù hợp với mình và cho đúng thị trường, sau đó ra mắt nó vào đúng thời điểm. Lựa chọn sản phẩm có thể khác nhau ở từng giai đoạn kinh doanh, không có quy luật nào cả mà quan trọng là bạn phải chọn đúng nếu muốn thỏa mãn nhu cầu, mong đợi và sự kỳ vọng của những người khách hàng của mình - để từ đó tạo ra danh tiếng, sự ảnh hưởng và (tất nhiên là) tiền.
Yếu tố 2: Đúng thị trường
15 năm làm việc trong ngành tiếp thị cho mình một quan sát thế này: mọi người thường tập trung quá nhiều vào chuyện làm sao để ra mắt một sản phẩm, làm sao để quảng bá, giới thiệu, tiếp thị nó. Họ cho rằng sự thành công hay thất bại của một sản phẩm nằm ở chỗ nó được nhiều người biết tới hay không, có thể tiếp cận được quy mô như thế nào khi ra mắt.
Với mình, sự thành công của sản phẩm không quan trọng phải ra mắt độc đáo, hoành tráng. Nó có thể ra đời trong lặng lẽ, nhưng nhắm đúng vào đối tượng, nó vẫn có thể tạo ra kỷ lục.
Bạn biết khóa Becoming a Solopreneur ra mắt lần đầu tiên của mình năm 2022 chứ? Ngày nó ra mắt, mình viết một bài viết duy nhất trên fanpage (chưa được 10,000 followers) giới thiệu mình đã hoàn thành khung chương trình và bản giới thiệu khóa học, mời mọi người quan tâm có thể xem và đăng ký. Sau đó, mình nghỉ ốm, hạn chế mạng xã hội và giao nhiệm vụ cho trợ lý hỗ trợ nếu có người đăng ký chương trình. 2 tuần sau mình trở lại, doanh thu thuần của chương trình này cán mốc 1,2 tỷ đồng.
Vậy đó, quan trọng là nhắm đúng thị trường. Sản phẩm chỉ có thể thành công khi bạn thực sự hiểu thị trường của mình - người bạn giao tiếp là ai, họ muốn học gì, muốn được giúp đỡ như thế nào, muốn phát triển ra sao và cách mà bạn nên bán cho họ là gì.
Bằng không, nó chẳng khác gì bạn nhảy xuống hồ bơi với không áo phao hay phao trong khi bạn không hề biết bơi.
Hãy dành gấp đôi, gấp ba năng lượng và thời gian của mình để đánh đúng vào thị trường - thay vì chỉ nghĩ về những thứ hào nhoáng khi ra mắt hay tiếp thị.
Yếu tố 3: Đúng thời điểm
Đúng thời điểm không phải chỉ là đúng với nhu cầu thị trường, mà còn phải đúng với giai đoạn phát triển trong doanh nghiệp của bạn.