

Discover more from Freelance to Freedom
3 mô hình bán “chất xám”
Cho bất cứ ai muốn dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh chuyên môn.
Sự phức tạp của Kinh doanh chuyên môn hiển nhiên đều nằm ở cụm từ “kinh doanh”: bạn có kiến thức, kỹ năng nhưng không đồng nghĩa với việc cứ mang chúng ra bán là sẽ nắm chắc thành công. Vì là kinh doanh nên người bán “chất xám” luôn cần quan tâm đến mô hình hoạt động, chiến lược bán hàng, tiếp thị…, từ đó xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh nhằm tiếp cận khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh với đối thủ.
Trước hết, hãy cùng khám phá 3 mô hình phù hợp nhất cho tất cả những ai có mong muốn kinh doanh chuyên môn - được chia sẻ chi tiết trong “Kinh doanh chuyên môn của chính mình” của mình.
Mô hình 1-to-1: Giúp một người tại một thời điểm
Đây là mô hình dễ nhất, nhanh nhất và có tính cá nhân cao, phù hợp với những ai đang “độc hành”. Với loại hình 1-to-1 này, thứ bạn cung cấp liên quan tới chuyên môn của mình sẽ là dịch vụ thay vì sản phẩm (service-based), cụ thể như:
Dịch vụ khai vấn/huấn luyện (coaching)
Dịch vụ tư vấn (consulting)
Dịch vụ kèm cặp (mentoring)
Dịch vụ sáng tạo (creative services)
Dịch vụ chuyên nghiệp (tham vấn tâm lý, trị liệu…)
Dịch vụ sức khỏe và thể thao (personal trainer…)
Ví dụ bạn đã có kinh nghiệm về viết hoặc truyền thông tiếp thị, bạn hoàn toàn có thể cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp như biên tập, chấp bút sách, tư vấn và triển khai các chiến lược Content-marketing…
Mặc dù dễ bắt đầu nhất, mô hình này vẫn tồn tại hai cái bẫy mà những người mới bắt đầu rất dễ mắc phải:
Một là, bạn cung cấp dịch vụ với chi phí quá rẻ, tuy nhiên thời gian và công sức bỏ ra lại quá nhiều, khiến bản thân rơi vào tình trạng kiệt sức, làm nhiều nhưng kiếm chẳng được bao nhiêu.
Hai là, bạn tính phí quá cao cho dịch vụ 1-1, chưa tương xứng với trình độ chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, do đó rất khó thuyết phục khách hàng, cũng như không thể bán được sản phẩm.
Mô hình 1-to-few: Giúp nhiều người (số lượng cụ thể) tại một thời điểm
Đây là khái niệm chỉ việc cùng một dịch vụ hoặc sản phẩm nhưng bạn cung cấp tới nhiều người hơn (với số lượng được xác định và kiểm soát). Trong mô hình này, những sản phẩm mà một chuyên gia có thể phát triển là:
Speaking: Trở thành diễn giả, khách mời để chia sẻ, đào tạo tại các workshop, hội thảo, talkshow… và được trả tiền.
Event: Tự tổ chức các workshop, hội thảo, webinar liên quan tới chuyên môn của mình cho cộng đồng (miễn phí hoặc có thu phí)
Group coaching/training: Đào tạo hoặc khai vấn theo nhóm, với số lượng khách hàng cố định.
Agency services: Cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng và tính phí, tuy nhiên thường lúc này bạn đã sở hữu đội nhóm làm việc hoặc cả một doanh nghiệp.
Mô hình 1-to-many: Giúp nhiều người (số lượng không xác định) tại một thời điểm
Đây là mô hình giúp các chuyên gia mở rộng, tăng trưởng và tạo ra tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn. Với lựa chọn này, bạn không còn chỉ bán dịch vụ nữa, mà sẽ bán sản phẩm của mình nhiều hơn cả, tiêu biểu như:
Sách: Là một trong những cách hiệu quả nhất nhằm xây dựng thương hiệu cá nhân, khẳng định chuyên môn bản thân, cũng như tạo ảnh hưởng tốt hơn với nhóm khách hàng mục tiêu.
Sản phẩm số: Đó là ebook, blog cá nhân, podcast, khóa học/chương trình đào tạo online…
Phí thành viên (Paid membership): Cung cấp toàn bộ sản phẩm chuyên môn của bản thân cho những người đăng ký chúng với mức phí gia hạn hàng tháng. Để áp dụng được hình thức này, bạn phải đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng số lượng không nên ít hơn con số 10-15.
Bán bản quyền (Licensing): Ở cấp độ chuyên môn cao hơn và các chương trình giảng dạy phức tạp, bạn hoàn toàn có thể đăng ký bản quyền, đào tạo các thế hệ thay mình làm giảng viên hoặc nhượng quyền thương mại cho những đơn vị muốn sử dụng chương trình của bạn.
Tuy nhiên, đây không phải là cách phân loại mô hình kinh doanh duy nhất.
Mô hình kinh doanh có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau, tùy thuộc vào mục đích và góc nhìn của người phân tích. Chẳng hạn, theo quan sát của mình, mô hình kinh doanh có thể được tiếp cận theo các hướng như sau để phân loại:
Phân loại theo dịch vụ (vai trò): dựa vào loại hình dịch vụ mà solopreneur cung cấp cho khách hàng. Ví dụ: tư vấn, khai vấn, đào tạo…
Phân loại theo thị trường: dựa vào loại hình khách hàng mà solopreneur hướng đến. Ví dụ: khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, khách hàng chuyên ngành, v.v.
Phân loại theo chiến lược kiếm tiền: dựa vào cách thức solopreneur tạo ra doanh thu từ kinh doanh của mình. Ví dụ: bán sản phẩm, bán dịch vụ, bán quảng cáo, bán nội dung số, v.v.
Phân loại theo quy mô phục vụ: dựa vào mức độ mở rộng và phát triển của kinh doanh của solopreneur. Ví dụ: 1:1 (giúp 01 khách hàng tại 01 thời điểm), 1:few (giúp nhiều khách
Phân loại theo giá trị: dựa vào mức giá của sản phẩm dịch vụ (cao cấp, bình dân, giá rẻ…) nhằm vào các phân khúc thị trường khác nhau.
Trong buổi Live Q&A tối nay (giờ Việt Nam) cho cộng đồng Solo Expert, mình sẽ chia sẻ thêm với các bạn solopreneur mô hình phân loại theo chiến lược kiếm tiền (vai trò) và sơ qua về cách phân loại theo giá trị. Đây là 2 mô hình:
Phổ biến và phù hợp nhất với đa số solopreneur.
Tiềm năng thu nhập từ các hình thức tiếp cận này là hiệu quả, thậm chí rất cao.
Có nhiều ví dụ điển hình đã thành công trong các cách tiếp cận này và có thể giới thiệu, phân tích, đưa ra các bài học kinh nghiệm cho bạn.
Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau vô cùng đa dạng và thú vị. Bạn đừng nên đóng khung những ý tưởng của bạn trong những mô hình có sẵn, bạn hoàn toàn có thể mở rộng, kết hợp và linh hoạt tùy chỉnh miễn sao nó phù hợp với năng lực và nguồn lực của bạn ở thời điểm và gia đoạn mà mình đang ở.
Hẹn bạn ở những chia sẻ sắp tới nhé!